Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện thành phố - vườn cây

Mai Thi| 07/02/2019 09:29

(HNM) - Nhà văn hóa Hữu Ngọc từng nói: “Việc trồng cây trên vỉa hè là một đóng góp của đô thị hóa Tây phương, một thành quả của tiếp biến văn hóa Tây - Đông”.

(HNM) - Nhà văn hóa Hữu Ngọc từng nói: “Việc trồng cây trên vỉa hè là một đóng góp của đô thị hóa Tây phương, một thành quả của tiếp biến văn hóa Tây - Đông”. Quả vậy, chuyện các kiến trúc sư, chuyên gia người Pháp quy hoạch và trồng cây xanh trên những con phố của Hà Nội với ý tưởng xây dựng “thành phố - vườn cây” thời Pháp thuộc đã để lại một di sản đáng kể về nhiều mặt cho Hà Nội.


Sao đen trên phố Lò Đúc; Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú xanh rì lá sấu; Lý Thường Kiệt vàng rực cây cơm nguội… Đấy là một vài con phố gắn liền với những hàng cây đã hình thành từ tư duy, tâm huyết của các nhà quy hoạch Pháp cách nay hơn một thế kỷ.

Những hàng cây, vỉa hè, những con đường, vườn hoa, công viên… tạo nên dáng dấp đô thị thời ấy là để phục vụ cho việc thống trị lâu dài của thực dân Pháp ở xứ này. Song không thể phủ nhận, chúng cùng với thời gian đã trở thành một phần gương mặt, tâm hồn Hà Nội. Có những hàng cây còn tỏa bóng đến nay, nhưng cũng có những con phố mà hàng cây thuở trước đã được thay thế, chỉ còn trong ký ức của Hà Nội…

Cây trồng đầu tiên theo quy hoạch thời Pháp là hàng phượng trên phố Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền và Hàng Khay). Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến thì đó là vào năm 1885, việc lát vỉa hè và trồng cây phượng tại đây đã mở đầu cho việc trồng cây trên hè phố theo quy hoạch tại Hà Nội.

Từ năm 1888, việc mở rộng và xây dựng thành phố theo thiết kế của các kiến trúc sư tài hoa người Pháp được thúc đẩy. Trong đó, ngoài dỡ bỏ nhà lá, xây nhà gạch quy củ, hệ thống rãnh thoát nước…, một trong những ý tưởng canh tân mà các kiến trúc sư, chuyên gia Pháp muốn hiện thực hóa ở thành phố này là xây dựng “thành phố-vườn cây”. Vì thế, cũng từ thời điểm này, người Pháp lập ra Vườn thí nghiệm thực vật (còn gọi là vườn Bách Thảo) với một khu riêng để ươm các giống cây bản địa, giống cây nhập từ châu Phi, châu Mỹ, châu Âu… Tức là một tầm nhìn và một sự chuẩn bị bài bản về “thành phố - vườn cây” cho Hà Nội.

Quanh Hồ Gươm, thì ngoài các giống cây nhập, còn rất nhiều cây bản địa được trồng vào quãng những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, như sưa, lộc vừng, phượng, dừa… GS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông nói “Kiến trúc khu hồ Hoàn Kiếm được các kiến trúc sư người Pháp nghiên cứu, quy hoạch rất kỹ, trong đó cây xanh và mặt nước có vai trò đặc biệt quan trọng… Mặt nước, cây xanh làm thành phần liên kết các hình thái không gian đô thị khác nhau là bài học có giá trị kinh điển”.

Có cây trồng, có hè phố để trồng cây, chính quyền thành phố thời ấy còn có những quy định cụ thể như cây xanh chỉ trồng trên các phố có vỉa hè rộng hơn 3m trở lên, đồng thời tuân theo tiêu chí: Có bóng mát, bảo đảm mỹ quan, an toàn trước các trận bão vừa phải… Trồng cây một cách quy củ đã đành, việc bảo vệ cây cũng có quy định, ví như người phá hoại cây phải chịu phạt tiền, trồng lại đúng giống cây đó tại vị trí ấy.

Theo năm tháng, Hà Nội đã có những con phố gắn liền với những hàng cây như thế!

Trong đó, cây sấu với bao thế hệ người Hà Nội đã trở nên một phần ký ức, nhiều khi là một danh từ viết hoa như nhân chứng, như một gương mặt can dự vào bao buồn vui, đời sống những phận người Hà Nội. “Em ơi ngồi lại đây/ Bến xe điện xưa anh vẫn gọi là ga Hoa Sấu/ Hai mươi năm trôi/ Tiếng chuông rụng thành rêu trong kẽ ngói/ Những bóng người bước vội/ Đâu kịp nhìn hoa bay” (“Đêm hoa sấu” của Đinh Vũ Hoàng Nguyên). Không có những hàng cây sấu, hoa sữa, sao đen… đã đi vào thơ văn, Hà Nội vắng hẳn một góc thơ mộng, tinh tế, lãng mạn và đằm thắm.

Trong cuốn “Đi dọc Hà Nội”, nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến kể, sấu được trồng đầu tiên ở phố Phan Đình Phùng vào khoảng năm 1920, sau đó trồng đại trà trên các phố. Sở dĩ loại cây bản địa này được người Pháp chọn trồng là bởi đặc tính thân thẳng, tán gọn, rễ cọc, lá rụng một lần, thuận tiện cho việc vệ sinh đường phố. Lá sấu hình mắt nai - đẹp đã đành, hoa sấu thơm dịu, và quả sấu trở thành thứ quà, thứ sản vật vừa dung dị đời thường vừa không kém phần tha thiết của người Hà Nội.

Có thể nói nếu “Đầm và hồ là xương cốt của Hà Nội” như cách nói của một nhà văn hóa, thì cây xanh và hệ thống quy hoạch cây xanh trên những con đường Hà Nội có lẽ chính là vòm, duyên dáng và mềm mại của thành phố.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc từng kể, trong cuốn sách ảnh Hà Nội muôn thuở có viết: “Với những đảo cây xanh, những hồ sen, những đại lộ mà cây me, cây phượng rủ bóng êm dịu xuống cổng những biệt thự cũ thời thực dân, Hà Nội mang một nét duyên dáng tế nhị, âm thầm, có thể là bí mật, hết sức quyến rũ”. Ông cũng từng bày tỏ: “Tôi thích nhất những cây sao trên phố Lò Đúc. Những thân cây tròn, đều đặn, mọc thẳng tắp như những cột đá của một nhà thờ cổ kính. Quả có đôi cánh nâu nhạt bay theo gió. Mùa đông, đàn cò tránh cái rét phương Bắc tìm phương Nam ấm áp thường đến làm tổ ở ngọn cây cao ngất”.

Có lẽ cũng là nhờ cây xanh và hệ thống quy hoạch cây xanh từ thời Pháp thuộc, mà vào những năm 1925-1935, Hà Nội được xem là một trong ba thành phố đẹp nhất châu Á (cùng với Tokyo và Thượng Hải). Các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc nhấn mạnh, quy hoạch cây xanh Hà Nội nằm trong quy hoạch thành phố được kế thừa từ những thành tựu rực rỡ về canh tân đô thị Paris nửa cuối thế kỷ XIX do Georges Eugene Haussmann khởi xướng cùng với các cộng sự tài hoa của ông về cấp thoát nước, thiết kế cảnh quan, nhà làm vườn phụ trách về cây xanh.

Đến đây, tôi lại nhớ hai chữ “thơm thảo” theo cách dùng từ của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính khi ông nói đến cái phần giá trị về kiến trúc, quy hoạch, quản trị thành phố mà người Pháp đã để lại bên cạnh sự đô hộ của họ ở xứ sở này.

Những hàng cây vẫn đứng đó, mắt trầm nâu, chứng kiến biết bao nhiêu số phận con người, biết bao buồn vui của nhiều thế hệ, biết bao thăng trầm của thành phố… Và quan trọng nữa, câu chuyện thơm thảo này nhắc nhở chúng ta về một Hà Nội đã xanh trong cả chiều dài lịch sử, mang tầm vóc của một “thành phố - vườn cây” như những con người tài năng, tâm huyết từ nơi xa xôi đã mang đến nơi đây.

Trong cuốn “Hoa Hà Nội” xuất bản hàng chục năm trước, tác giả Trần Lê Văn có nêu số cây ở thành phố năm 1954, sau giải phóng Thủ đô là 1 vạn, đến năm 1980 là 20 vạn. Đến nay, con số này chắc chắn là đã lớn hơn rất nhiều, song tỷ lệ cây xanh vẫn còn rất khiêm tốn so với các thành phố khác trên thế giới như Tokyo, London, Berlin…

Nhìn lại câu chuyện “thành phố - vườn cây” không chỉ để thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội mà hơn thế là để có những tham khảo, thấu hiểu và cùng thành phố hiện thực hóa niềm mong mỏi về một Thủ đô “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện thành phố - vườn cây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.