(HNM) - Đến nay cái tên Chelyuskin vẫn được nhắc đến như một con tàu đã thực hiện một trong những chuyến thám hiểm nổi tiếng nhất trong lịch sử chinh phục Bắc cực của người Nga.
Thủy thủ tàu Chelyuskin trên mặt tảng băng trôi ngày 14-4-1933. |
Ngày 2-8-1933, chỉ hơn một tháng sau khi được hạ thủy, tàu Chelyuskin rời Murmansk lên đường thực hiện cuộc thám hiểm dưới sự chỉ đạo của nhà thám hiểm nổi tiếng, Viện sĩ Otto Shmith. Cuộc thám hiểm có nhiệm vụ thử nghiệm, ngoài tàu phá băng, những con tàu vận tải thông thường có thể độc lập đi theo lộ trình hàng hải Bắc cực sang Thái Bình Dương vào mùa băng tan hay không. Cả LB Xô viết chăm chú theo dõi chuyến vượt biển băng của con tàu. Báo chí Liên Xô khi đó liên tục đưa tin, trích dẫn những dòng điện báo vô tuyến được đoàn thám hiểm gửi về.
Sau 6 tháng hành trình, tàu Chelyuskin đã đi được gần hết chặng đường dẫn tới vùng biển Thái Bình Dương không có băng. Nhưng vào ngày 13-2-1934, tàu bị băng dày bao vây tại biển Chukotka và bị băng trôi ép nát và chìm hai giờ sau đó. Trong khoảng hai giờ đó, 104 thành viên đoàn thám hiểm, trong đó có 10 phụ nữ và 2 trẻ em, đã phải đổ bộ xuống một tảng băng trôi. Thủy thủ trên tàu đã kịp bốc dỡ các vật dụng dự trữ đủ dùng trong hai tháng như thực phẩm, lều bạt, túi ngủ, một chiếc máy bay và điện đài...
Sau khi được tin tàu Chelyuskin bị đắm, Chính phủ Liên Xô đã thành lập một ủy ban đặc biệt để tìm kiếm và giải cứu đoàn thám hiểm. Tàu phá băng Krasin cùng 2 chiếc tàu hơi nước Smolensk và Stalingrad đã được huy động chuyên chở những chiếc máy bay đến mũi Olyutorski. Mọi người dân trên khắp Liên Xô đều hồi hộp theo dõi mọi diễn biến của cuộc tìm kiếm và giải cứu đoàn thám hiểm.
Trong khi đó, các thành viên tàu Chelyuskin vẫn vững vàng và đầy can đảm. Mỗi người vẫn đều làm theo trách nhiệm của mình và thậm chí còn ra một tờ báo tường mang tên "Quyết không đầu hàng!". Hằng ngày, Viện sĩ Shmith đã giảng bài cho các thành viên đoàn thám hiểm để động viên mọi người giữ vững tinh thần. Đoàn thám hiểm đã đào bới và dùng vai thồ nhiều tấn băng đá, làm một sân bay trên băng để chờ sự cứu viện từ đất liền đến với họ.
Các phi công đã tìm ra và giải cứu được những người đầu tiên. Đúng vào Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3-1934, chiếc máy bay của Lyapidevskj đã hạ cánh xuống mặt băng đá, chở một số phụ nữ và trẻ em về đất liền an toàn. Đến lúc này, mùa Xuân đến làm mặt băng đá xuất hiện những khe nứt vỡ. Không bao lâu sau, một trận băng tan lớn cuốn đi nhà bếp, phá hủy hoàn toàn sân bay trên băng. Tình hình trở nên vô cùng nguy hiểm. Hội đồng Chính phủ Liên Xô đã cử thêm máy bay từ Kamchatka và Vladivostok để bổ sung cho cuộc cứu hộ. Ngày 13-4, hai tháng sau khi lâm nạn, 6 người cuối cùng của thủy thủ đoàn tàu Chelyuskin đã được đưa về đất liền an toàn và tất cả đoàn thám hiểm đã được cứu sống.
Vào trung tuần tháng 6-1934, thành phố Mátxcơva và toàn Liên bang làm lễ tưng bừng chào đón sự trở về của những người trong đoàn thám hiểm trên tàu Chelyuskin. Thuyền trưởng V.I.Voronin và chỉ huy đoàn thám hiểm Otto Yulievich Schmith được phong danh hiệu anh hùng Liên Xô.
Về số phận con tàu Chelyuskin, sau nhiều năm tìm kiếm không thành công, vào giữa tháng 9-2006, chiếc tàu bị chìm này đã được tìm thấy ở đáy biển Chukotka. Vị trí tàu Chelyuskin được xác định nằm dưới độ sâu 50 mét nước, trong điều kiện tầm nhìn không quá nửa mét. Hiện các nhà khảo cổ đại dương Nga đã có kế hoạch trục vớt hết những bộ phận của con tàu lên bờ. Các nhà khảo cổ hy vọng sẽ tìm thấy nhiều di vật quý từ con tàu bị đắm dưới lòng nước sâu của đại dương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.