Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện quản lý: Mọi việc đều cần minh bạch

Kính Lúp| 03/04/2015 06:46

(HNM) - Điều quan trọng nhất chính là sự minh bạch. Có minh bạch mới kiểm soát được bộ máy đang hoạt động và có kiểm soát bộ máy thì mới mong phát triển bền vững.

Hiện nay, công nghệ thông tin rất phát triển, nên việc đưa thông tin đến người dân không tốn nhiều chi phí. Nếu vì sự công khai, minh bạch, cũng như để kiểm soát được bộ máy hành chính, có lẽ ngoài việc niêm yết công khai các loại thủ tục thì ngành chức năng và chính quyền sở tại hoàn toàn có thể công bố mọi thông tin, số liệu, hướng dẫn... trên các phương tiện thông tin của mình cho mọi người dân được biết và thực hiện.

Không những thế, việc công khai thông tin sẽ còn giúp người dân tăng cường sự giám sát khi biết được những quyền lợi tối thiểu mà họ được hưởng. Có được những thông tin công khai, có được những hướng dẫn cụ thể, chắc chắn những cán bộ, công chức muốn "làm liều" cũng khó có điều kiện thực hiện.

Chả nói đâu xa, chỉ cần nhìn lại các vấn đề thời sự đang thu hút sự quan tâm của công luận, cốt lõi nổi lên cũng chỉ là những nỗi lo: Liệu cấp trên có kiểm soát được bộ máy bên dưới? Sử dụng biện pháp giám sát nào để bảo đảm mọi việc diễn ra đúng nguyên tắc, quy trình? Chẳng hạn, việc tăng thuế bảo vệ môi trường qua giá xăng, bản chất của vấn đề là gì, có phải để có tiền bảo vệ môi trường hay để bù đắp vào chỗ thiếu hụt khi phải giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết? Tăng giá điện, có phải để hạn chế việc Nhà nước bao cấp giá điện thấp cho các hộ dùng nhiều điện hay để bù lỗ cho Tập đoàn EVN? Bán cơ sở hạ tầng của Nhà nước có phải cả bên bán lẫn bên mua đều cần sự minh bạch trong quy trình thực hiện, để bảo đảm không có sự móc ngoặc nhằm tư lợi?

Các cơ quan có thẩm quyền thường có lối suy nghĩ mình đang làm đúng nguyên tắc, đúng quy định, nên không phải giải thích. Đây là cản trở đầu tiên của quá trình minh bạch hóa. Nhưng họ quên mất một nguyên tắc rất quan trọng trong quản lý khi mọi việc được tiến hành minh bạch là, bộ máy bên dưới sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc và tạo điều kiện cho các bên thứ ba kiểm tra giúp việc tuân thủ này. Nếu không có được sự công khai, minh bạch, người đứng đầu sẽ mất kiểm soát bộ máy và tiêu cực, tham nhũng sẽ nảy sinh... Bởi, thiếu minh bạch chính là mảnh đất màu mỡ dung dưỡng những kẻ có tư tưởng trục lợi cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện quản lý: Mọi việc đều cần minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.