Đỗ Quang Hân là phóng viên của Tạp chí Thương Mại nhưng
Không thể & có thể
Ông bạn vong niên đã ngoài “thất thập”, được cái giời cho vẫn tráng kiện, thi thoảng than thở “chơi với cánh trẻ thấy vui, chứ mấy ông bạn giànói chuyện toàn bệnh tật, kiêng khem nghe mãi thấy mệt”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng vậy, ông thích giao du với lớp trẻ. Chúng tôi thi thoảng vẫn đùa “Nhà ông anh như “sân ga”, kẻ đi người đến cứ tấp nập”. Ông tủm tỉm cười “đáng ra còn đông nữa đấy chứ, mấy ông bạn già “tuột xích” hết trọi”. “Tuột xích” tức là đã chia tay ông mãi mãi, hoặc do bệnh không thể cùng đồng đội trong cuộc “nhậu” được nữa! Mắt ông đượm buồn “Còn Sơn nữa (Trịnh Công Sơn) cũng bỏ tôi, hắn trẻ hơn tôi mà đã đi xa thế này thì không thể”.
Giỗ đầu, tổ chức tưởng nhớ Trịnh Công Sơn, cũng tại mấy cái bàn nhỏ ngay trong sân chung cư nhà ông. Thật cảm động, bữa giỗ trở thành đêm nhạc. “Ta thấy em trong tiền kiếp; Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa; Rừng thu lá thấp em vẫn chưa về”. Tiếng hát cô ca sĩ phòng trà tên Hồng xinh đẹp, bị tật nguyền thật tội nghiệp cất lên. Dù không được học hành, nhưng chất giọng bẩm sinh khá đẹp và rất có tình nghe cứ gai hết cả người nhất là đêm nay. Ông bạn Đức Long, là người Đức (em kết nghĩa của Trịnh Công Sơn) sinh năm rồng tên Đức là Frank rất giỏi tiếng Việt. Sang kỳ này, anh bạn cứ nấn ná dự xong giỗ đầu mới chịu về nước. “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng; Tôi là ai mà yêu quá đời này; Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Nghe chữ “bình minh” mà Đức Long người Tây hát, vẫn cứ ngọng nghịu nhưng thật dễ thương.
Bạn bè về hết, riêng Nguyễn Quang Sáng vẫn có cái tật nhâm nhi thêm một ly cho riêng mình. Trong lúc cô đơn đó, chắc có lúc ông tủm tỉm “Thằng Đức Long buồn cười quá ta, cứ hát xong một bài lại hỏi: Có ai yêu cầu hát bài nữa không?” Frank đã về nước còn phải dạy tiếng Việt ở trường đại học bên đó. “Sân ga” nhà Nguyễn Quang Sáng lại vơi đi một người, nhưng theo ông là cuộc chia tay có thể.
Ngọn nến
Tâm hắn thì tốt, nhưng tính hay khụng kiệng, lại phũ mồm. Hay đi nhậu nhẹt lại la cà quán karaoke nhưng lúc nào hắn cũng thích chốt lại theo kiểu “Dào ôi, 10 em cave ở quán karaoke thì cả 11 hễ mở miệng ra là em cố làm dấn thêm vài tháng, đủ tiền mua máy khâu là chuyển nghề... về quê”. Một hôm anh bạn kiến trúc sư tìm hắn và cho biết: cô bé nhiều lần ngồi hát với hắn, từ quê lên mới chết vì tai nạn. Thế mà lúc chưa “đi” còn nhắn hắn: “Em vẫn còn mệt lắm, khi nào khoẻ sẽ lên làm mẫu, như đã hứa”. Hắn lạnh toát người, lò dò lên gác có căn phòng nhỏ làm xưởng vẽ. Liền một mạch không nghĩ, hắn vẽ trong trí tưởng tượng: bức tranh cô gái mặc áo dài trắng, trông tựa như một ngọn nến. Thấy hơi lạnh lẽo, hắn phân vân ngắm lần nữa, hắn lẩm bẩm: “không cần, ngọn nến nhìn kỹ như đang cháy rồi...”
Số phận bức tranh cũng thật kỳ lạ. Vừa vẽ xong, một ông chủ Gallery nằng nặc đòi mua. Treo chưa ấm chỗ, một vị khách giàu có trả giá cao. Hơn tháng sau tranh lại lộn trở lại với lý do: cứ đêm đến là cô mặc áo trắng đấy, cứ đi lại trong nhà ông ta tìm cửa thoát ra ngoài. Chủ Gallery mời thầy về làm lễ cầu siêu cho “cô”? Rồi “ngọn nến” lại được sang tên cho một khách nước ngoài khác, không hiểu cô đã yên tâm sống ở địa chỉ mới chưa? Do được lộn hai lần, mà “lộc bất tận hưởng” nên ông chủ Gallery mò đến hắn có nhã ý gửi thêm chút tiền, và không quên gợi ý: “ông vẽ thêm một bức na ná như vậy đi”. Hắn nóng mặt, bình thường thì đốp ngay, nhưng dạo này, tự dưng hắn điềm đạm chỉ cằn nhằn trong bụng: “Tiên sư cái thằng “lái” tranh này, nó coi mình như thợ vẽ nhà máy sứ không bằng? Một ngọn nến cháy chưa đủ day dứt hay sao, mà muốn 10 ngọn nữa để thiêu tôi thành tro chắc?”. Hắn đùng đùng bỏ ra ngoài, lấy x3, rồ ga phóng như điên trên phố.
Buổi sáng không lặng lẽ
Hơn 10 năm qua, kể từ khi lấy vợ, cứ đến độ 6 giờ sáng, khi thấy hai tiếng vỗ bộp bộp lên người là anh biết ngay là phải thức dậy và phải tỉnh táo mà nhớ những lời dặn của vợ để mở đầu cho một ngày. Kết thúc những lời nhắc nhở vẫn là hai cái bộp bộp “nhớ chưa?”. Anh đã quá quen kiểu “giao ban” mỗi sáng kiểu này rồi...
Chuyến đi Tả Van (cách Sapa 15km) rất thú vị, trước tiên là niềm vui được thoát ra khỏi nhà vài ngày. Đây là chuyến đi “ăn theo” nhóm khảo sát làm dự án bảo tồn di sản văn hóa dân tộc ở Lào Cai. Theo lời mời, các anh còn lên tận trường tiểu học Hầu Thào cao chót vót trên đỉnh núi. Trường có 7 cô giáo xuôi lên dạy chữ cho tụi trẻ người Mông. Trong số đó anh chú ý nhất đến Lành. Cô không xinh, nhưng có duyên thầm. Mỗi lần nhìn cô, anh có cảm giác rất lạ mà lâu lắm rồi mới gặp lại. Khi chia tay, cô giáo nào cũng ngấn lệ, riêng Lành nhắn riêng với anh “Về tới Hà Nội nhớ gửi cho em mấy tập thơ”. Anh nhận lời và không khỏi ngạc nhiên.
Thế rồi, có đêm ngủ mơ anh thấy Lành tiễn mình từ trường Hầu Thào xuống trung tâm xã. Hôm đấy vừa tạnh mưa, đường dốc và trơn, cô đi trước, anh dò dẫm bước một theo sau. Đến chỗ phiến đá cao quá, anh đang tìm cách làm sao đặt được chân lên thì Lành quay lại, mắt cứ nhìn anh và đưa một tay cho anh vịn. Chưa chạm được tới tay cô, bỗng hai tiếng bộp bộp “dậy anh” làm anh giật mình. Hai tiếng vỗ cuối cùng “nhớ chưa?” làm anh tỉnh hẳn giấc mơ. Hôm nay khác mọi hôm, ngoài cái việc phải làm theo lời vợ dặn, anh đi mua mấy tập thơ gửi cho Lành. Vừa đi, anh vừa tự nhủ “Thôi làm gì, nghĩ gì dứt điểm ban ngày thôi. Tối cố mà ngủ cho ngon giấc, chứ dám lần như sáng nay hại tim lắm. Nói gì thì nói, phải giữ sức, 40 tuổi có lẻ rồi còn gì!”
Đỗ Quang Hân
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.