(HNM) - Cận Tết Nguyên đán Quý Tỵ, bóng chuyền nam Hà Nội đứng trước sự thay đổi lớn. Theo đó, trong mùa giải 2013, khả năng lớn là đội bóng chuyền nam của Tập đoàn Dầu khí quốc gia sẽ kết hợp với Hà Nội. Ngay từ bây giờ, người ta đã nhắc tới cái tên
Tìm lại hình bóng xưa
Trong câu chuyện những ngày cuối năm Nhâm Thìn, HLV kỳ cựu Nguyễn Mạnh Hùng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia cho biết: "Việc sáp nhập 2 đội bóng (Hà Nội và Petrovietnam) chỉ là một trong những phương án mà lãnh đạo của hai đơn vị tính tới. Nhưng cơ bản, đôi bên đã có những thống nhất. Vấn đề còn lại chỉ là khâu thủ tục". Đây không phải là điều mới mẻ trong làng bóng chuyền Thủ đô vì trước đây Hà Nội từng có Bưu điện Hà Nội rồi Viễn thông Hà Nội (tiền thân của đội bóng chuyền nam Hà Nội hiện tại).
Người hâm mộ có thể hy vọng về bóng chuyền nam Hà Nội trong thời gian tới. |
Nhiều người vẫn còn nhớ về một Bưu điện Hà Nội hào hoa, mạnh mẽ, quy tụ những cầu thủ một thời lẫy lừng của bóng chuyền nam như Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Sỹ Hòa, Nguyễn Hùng Mạnh, Võ Nguyên Hòa hay Nguyễn Hùng Cường. Gương mặt tiêu biểu nhất là Nguyễn Mạnh Hùng, người thầy đã đưa học trò đến ngôi vô địch quốc gia năm 2004 (chiếc cúp vô địch quốc gia duy nhất tới giờ của bóng chuyền nam Hà Nội). Bây giờ, HLV Nguyễn Mạnh Hùng đang làm việc cho CLB Tập đoàn Dầu khí quốc gia nên với ông Hùng, có thể xem cuộc sáp nhập sắp diễn ra mang hơi hướng "trở về căn nhà xưa". Hiện tại, trong đội hình bóng chuyền nam Petrovietnam đang có khá nhiều tay đập đi lên từ tuyến trẻ Hà Nội như chủ công Lê Bình Giang, chuyền 2 Nguyễn Tuấn Anh, phụ công Nguyễn Thanh Lam.
Trong một số lần chia sẻ trước báo giới, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Nguyễn Đình Lân từng khẳng định, thể thao Thủ đô đang rất muốn gây dựng lại thanh thế như thuở nào cho hai đội bóng chuyền nam, nữ. Tuy nhiên, làm thế nào bóng chuyền nam Hà Nội mạnh mẽ trở lại lại không đơn giản.
Lợi cho người hâm mộ
Ai cũng thấy rõ cuộc bắt tay này sẽ có lợi cho đôi bên. Tập đoàn Dầu khí quốc gia sẽ tận dụng được nhân sự trẻ mà bóng chuyền nam Hà Nội đang đào tạo, giảm đáng kể chi phí cho đội bóng. Khi đã là người của Sở VH-TT&DL Hà Nội thì đội bóng được hưởng sự đãi ngộ về cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện chứ không phải thuê sân tập như hiện nay. Mặt khác, dù được đầu tư vào hàng nhất nhì Việt Nam nhưng chưa bao giờ bóng chuyền nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đáp ứng được kỳ vọng. Còn bóng chuyền Hà Nội luôn cần xã hội hóa khi chưa đủ tiềm lực tài chính và việc sáp nhập sẽ giải quyết được bài toán đó.
Trận chung kết nam VĐQG 2004, Bưu điện Hà Nội đã hừng hực khí thế để vượt qua Thể Công 3-1, lên ngôi vô địch. Cảm giác hân hoan ấy giờ chẳng còn với người hâm mộ. Không những thế, từ năm 2008 đến nay, người hâm mộ luôn hụt hẫng và thất vọng trước sự thụt lùi của bóng chuyền Hà Nội. Giờ đây, họ đã có thể hy vọng vào một đội bóng chuyền mạnh nếu cuộc hợp nhất kia thành công và khát khao nhiều năm qua của người hâm mộ Thủ đô là được theo dõi giải VĐQG trên sân nhà sẽ thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.