Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện ở hai công trình “rùa”

Nguyên Hoàng| 08/01/2011 08:04

(HNM) - Hai công trình trọng điểm nhằm tháo gỡ nút cổ chai phía Đông Bắc TP Hồ Chí Minh đang bế tắc chưa có lối ra, dù 7 năm qua các ngành chức năng đã liên tục ra văn bản kiến nghị đẩy nhanh tiến độ.

Ách tắc giao thông là hậu quả từ công trình “rùa”.


Bảy năm vẫn tắc
Cảng Cát Lái là cảng biển quan trọng nhất của TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam với hơn 70% lượng hàng container thông qua các cảng của Việt Nam. Để mở rộng và phát triển cảng, từ năm 2004, chủ trương mở rộng liên tỉnh lộ 25B đã được thực hiện. Con đường chỉ rộng 12m, theo quy hoạch được duyệt sẽ mở rộng có lộ giới 60m, dài 3km (từ cảng Cát Lái ra Xa lộ Hà Nội) nằm trên địa bàn quận 2; khi hoàn thành sẽ kết nối với đường vành đai phía Đông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này. Tuy quan trọng như vậy, nhưng 7 năm nay, dự án … vẫn giậm chân tại chỗ. Tất nhiên việc ùn tắc giao thông vẫn trầm trọng. Chỉ 3km nhưng các phương tiện có khi mất cả giờ đồng hồ! Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) cho biết, hiện nay mới nhận được 64% mặt bằng trong tình trạng "da beo" nên khó thi công nhanh liên Tỉnh lộ 25B.

Tương tự, một công trình khác gây bức xúc dư luận suốt 7 năm qua là dự án Cầu vượt Gò Dưa. Ngay từ năm 2003, để giải quyết tình trạng kẹt xe ở xa lộ Đại Hàn, Bộ GTVT đã cho xây cầu vượt Gò Dưa để phương tiện giao thông không cắt ngang xa lộ. Đến nay, cầu xây xong đã lâu nhưng đường dẫn lên cầu vẫn chưa xong. Điều này khiến các doanh nghiệp vận tải vô cùng bức xúc. Hiện tại đoạn đường này chỉ dài 40km nhưng phải mất gần 3 giờ đồng hồ. Nguyên nhân vì nút "cổ chai" Gò Dưa. Đại biểu Nguyễn Minh Hương từ lúc mới được bầu vào HĐND thành phố đến nay đã "đồng hành" với công trình cầu vượt Gò Dưa suốt 7 năm qua nhận xét: chỉ có hơn 70 hộ dân mà công trình phải giậm chân tại chỗ, thiệt hại mỗi ngày từ ùn tắc hàng tỷ đồng. Nếu như chính quyền công tâm và cương quyết, thì sẽ giảm được thiệt hại rất lớn!

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng chia sẻ, không phải sở thờ ơ trước những bức xúc của dư luận. Nhưng với vai trò là đơn vị chuyên ngành Sở GTVT chỉ cam kết thực hiện xây dựng công trình đúng tiến độ, còn việc giải phóng mặt bằng hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Sở cũng chỉ tham gia bằng văn bản đốc thúc mà thôi.

Vì sao bế tắc?
Lẽ ra cầu vượt Gò Dưa không trì trệ đến 7 năm nếu như chính quyền quận Thủ Đức ra văn bản thu hồi đúng luật. Theo quy trình thì sau khi có quyết định phê duyệt đầu tư và điều chỉnh dự án của Bộ GTVT, UBND TP phải ban hành quyết định thu hồi đất tổng thể để trên cơ sở đó UBND quận Thủ Đức ban hành các quyết định thu hồi đất của từng hộ dân nằm trong phạm vi xây cầu vượt Gò Dưa và triển khai các bước đền bù giải tỏa tiếp theo. Tuy nhiên, trình tự pháp lý này đã bị bỏ qua. Vì Quyết định 3358 của UBND TP Hồ Chí Minh lại không phải là quyết định thu hồi đất tổng thể, mà chỉ là quyết định chấp thuận bổ sung nút giao thông Gò Dưa là một hạng mục công trình của dự án đường Xuyên Á! Vì thế dự án liên tục bị đình trệ để chính quyền địa phương sửa sai.

Riêng dự án liên Tỉnh lộ 25B thì lại vướng vào giá bồi thường mà ngay cả lãnh đạo TP cũng không giải thích được. Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng tại dự án liên Tỉnh lộ 25B là phải giải phóng mặt bằng nhiều lần, dẫn đến giá bồi thường cũng phải điều chỉnh nhiều lần. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, thành phố sẽ cố gắng bảo đảm cho người dân được lợi nhất khi họ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trong khi ấy, chiếu theo những quy định của Luật Đất đai để tính bồi thường cho dân theo giá nào, thì … không tính được. Theo ông Dương Quang Châu, Phó Giám đốc Công ty CII, trong trường hợp quận 2 bàn giao toàn bộ mặt bằng trống cho CII vào đầu tháng 1-2011, thì may ra cuối năm dự án mới được thi công xong.

Giám đốc Trần Quang Phượng cảnh báo, nếu không giải quyết sớm chuyện giải phóng mặt bằng thì nguy cơ cảng Cát Lái mất nguồn hàng dẫn đến TP sẽ mất nguồn thu rất lớn. Bởi hiện tại các DN đã chuyển hàng ra một số cảng tại Vũng Tàu. Và nếu tình trạng này tiếp diễn, dự báo sẽ mất 50-70% lượng hàng hóa vận chuyển trong vài năm tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện ở hai công trình “rùa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.