(HNM) - Mấy ngày nay, tin đồn ăn cá điêu hồng gây ung thư khiến giá cá rớt thảm hại, nông dân thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Tin đồn thất thiệt không chỉ xảy ra với cá điêu hồng, mà đã từng xảy ra với nhiều loại nông sản, thực phẩm khác của Việt Nam.
Nào là chuyện tin đồn ăn dưa hấu chết người ở Quảng Bình, ăn cá rô đầu vuông bị ung thư ở Kiên Giang và hàng loạt các tin đồn giật gân khác nổi lên như ăn sò biển bị nhiễm hóa chất độc hại... Do chưa biết thực hư thế nào và để tự bảo vệ sức khỏe của mình, người tiêu dùng đã tẩy chay nhiều sản phẩm. Thế rồi, cá rô đầu vuông, dưa hấu, con sò... cũng được giải oan khi các nhà khoa học và cơ quan chức năng vào cuộc, chứng minh thông tin đồn đại chỉ là nhảm nhí, bịa đặt. Kể cũng lạ, xã hội hiện đại như bây giờ chẳng thiếu thông tin, thế mà hoang tin vẫn có đất sống. Xuất hiện tin đồn thất thiệt, nông dân luôn là người bị thiệt hại nhiều nhất. Sản phẩm làm ra ế ẩm, tư thương được dịp o ép. Ví dụ khi xuất hiện tin đồn ăn cá điêu hồng gây ung thư đã khiến nông dân tỉnh Đồng Tháp (tỉnh có số lượng cá điêu hồng lớn nhất nước, với 2.300 lồng bè) phải chịu thiệt hại lớn. Thương lái ép giá mua của nông dân xuống còn 25.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 5.000-7.000 đồng/kg. Ước tính, mỗi bè cá điêu hồng, người nông dân thiệt hại từ 50-100 triệu đồng.
Vẫn biết tin đồn thì thời nào cũng có, nhưng mà nó chỉ có đất sống khi con người thiếu điều kiện trao đổi thông tin. Còn bây giờ, số lượng nhà khoa học nhiều, điều kiện nghiên cứu khoa học thuận lợi, phương tiện thông tin đa dạng mà sao tin đồn vẫn tồn tại? Nếu các cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, công bố kết luận khi thấy có sự việc gây nghi ngờ, bức xúc trong xã hội thì tin đồn làm gì có đất để sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.