Quảng Bình đón chúng tôi bằng những bóng cây thưa lá bên các ngọn đồi. Đất cát bạc màu. Những rặng phi lao không một chút rung rinh giữa nhiệt cát tăng dần.
Phi lao đã vậy, bãi tràm lại còn thu mình, lặng lẽ hơn, vỏ cây sùi lên những lớp vảy bong tróc tựa da của các loại kỳ đà. Cái nắng mùa hè ở vùng “chang chang cồn cát” đã khiến các loài cây cũng phải căng mình theo quy luật sinh tồn.
Công nhân Truyền tải Điện Quảng Bình kiểm tra tuyến đường dây 500kV Bắc - Nam Ảnh: Ngọc Hà |
Chúng tôi theo chân những người thợ đường dây Truyền tải điện Quảng Bình- những người thợ đường dây lăn lộn nhiều năm với sông suối, núi rừng bên bờ sông Gianh. Mới 10 giờ nắng đã hắt vào mặt rát bỏng. Con đường chạy dọc ven biển chỉ bạt ngàn cát. Không mảy may một chút gió đông. Tôi thắc mắc về sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây thì một người lính truyền tải trong đoàn thản nhiên buông câu chắc nịch: Chưa quen với nắng rãi mưa dầm thì chưa phải là người thợ đường dây Miền Trung.
Lời nói của anh lính truyền tải vừa dứt, tôi đã thấy hiện ra giữa mênh mông đồi cây cỏ đã khô giòn, tưởng như có thể tự nhiên bốc cháy. Tôi chợt nghĩ, những người thợ đường dây Quảng Bình này có phải là mình đồng, da sắt hay không mà chẳng nghe họ kêu ca về sự nóng như đun như nấu của miền cát cháy. Vừa đi Phó Giám đốc Truyền tải điện Quảng Bình Nguyễn Long vừa nói như thủ thỉ: Truyền tải điện Quảng Bình quản lý 250,56 km đường dây 500kV mạch 1- mạch 2 và 122,06 km đường dây 220kV và 1 Trạm biến áp 220kV. Khó khăn nhất bây giờ là tình trạng đốt rừng, đốt rẫy gần hành lang có chiều hướng xảy ra ngày càng nhiều do người dân khai hoang canh tác, gây ảnh hưởng đến vận hành an toàn các đường dây. Rồi còn tình trạng đào, xúc đất trái phép trong và gần hành lang đường dây ảnh hưởng đến kết cấu, địa chất công trình đường dây cũng ngày càng tăng do nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của các địa phương. Phát triển kinh tế của địa phương đã làm thay đổi đặc điểm vùng dân cư so với tại thời điểm thiết kế đường dây nên số điểm khoảng cách pha đất không đạt theo quy phạm tăng, nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn của phương tiện, dụng cụ thi công qua lại dưới đường dây ngày càng nhiều. Lại còn tình trạng canh tác trồng cây cao gần hành lang tuyến ngày càng nhiều, việc đền bù, giải tỏa cây cao nguy hiểm ngoài hành lang gặp khó khăn do một số nơi người dân yêu cầu đền bù cao hơn giá nhà nước quy định. Nhiều cung đoạn đất sử dụng làm đường vào tuyến chưa xác định chủ, nếu đất đó được cấp cho chủ mới canh tác, thay đổi đường đi thì sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành và bảo vệ đường dây.
Đường dây 500kV mạch 1 và 2 Hà Tĩnh – Đà Nẵng mà Truyền tải điện Quảng Bình quản lý bắt đầu từ đỉnh Đèo Ngang đến tiếp giáp huyện Vĩnh Linh-Quảng Trị, hầu hết đường dây đi qua đồi núi hiểm trở, vùng đất trũng và bị sông ngòi chia cắt. Về mùa hè, thời tiết nắng nóng, oi bức; mùa đông mưa dầm và rét kéo dài; lụt bão thường xuyên xảy ra, hầu như năm nào cũng có. Nói đến sông Gianh thì có lẽ ai cũng biết, đó là “con sông ranh giới của một thời”, sông lớn nhất, trong 5 con sông của tỉnh Quảng Bình, phát nguyên từ bốn đầu nguồn: Nguồn Son, nguồn Nan, nguồn Trổ và nguồn Nậy. Lòng sông sâu, lượng nước chảy mạnh, bắt đầu từ rừng núi Trường Sơn hiểm trở, lách núi, xuyên ngàn, tạo ra nhiều ghềnh thác rồi đổ ra biển Đông.
Chở chúng tôi trên chiếc thuyền gỗ mộc đi trên nhánh nguồn Nan, nơi mạch 1 và 2 của đường dây 500kV vượt sông ở vị trí 1033 và 1034 thuộc xã Quảng Minh, anh Nguyễn Việt Hùng, công nhân Đội Truyền tải điện Ba Đồn say sưa nói về các đồng đội của anh và những ngày vật lộn với mưa lũ trên dòng nguồn Nan. Anh sinh và và lớn lên ngay trên mảnh đất mà anh và đồng đội đang quản lý đường dây. Tuổi thơ của anh gắn liền với nguồn Nan, nên anh thuộc như lòng bàn tay đường đi lối lại trên sông cũng như “tính khí thất thường” của nguồn Nan dữ dội. Đợt lũ cuối tháng 9-2010 đã gây thiệt hại gấp 2 lần ngân sách của cả tỉnh. Để có cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho 22 xã, tỉnh Quảng Bình đã cho xây dựng đập tràn tự nhiên để giữ nước, vì thế khi lũ về nước tự tràn làm nước nguồn Nan dâng rất nhanh. Cũng vì lũ lụt thường xuyên xảy ra nên dân sống ven sông thưa thớt. Trước đây, có làng Cần Cừa trù phú lắm, nằm ngay ven nguồn Nan nhưng cả làng phải bỏ đi vì thường xuyên bị ngập lụt. Không có nhà dân, mùa mưa bão, gian khổ trong vận hành, anh em công nhân trực trên tuyến 24/24 lại càng khó khăn hơn về ăn ở.
Hết mưa thì đến nắng. Mùa nắng, các Đội đường dây lập phương án phân vùng khu vực trên tuyến đường dây theo cấp độ có nguy cơ cháy, nguy cơ cháy cao để có biện pháp phòng ngừa thích hợp và ngăn chặn kịp thời các trường hợp phát nương, đốt rẫy gần tuyến đường dây 220-500kV; ký kết phương án phối hợp phòng chống cháy rừng với 17 xã, 2 thị trấn, 5 Hạt kiểm lâm và 2 Lâm trường là nơi có đường dây đi qua. Rồi ký “Bản cam kết bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp” với 173 Hộ dân dọc tuyến đường dây 500kV mạch 1, 2 Đà Nẵng – Hà Tĩnh; 27 Hộ dân dọc tuyến đường dây 220kV Đồng Hới – Đông Hà; 14 Hộ dân dọc tuyến đường dây 220kV Hà Tĩnh – Đồng Hới.
Các Đội trưởng đội đường dây liên hệ làm việc với Ban chỉ đạo bảo vệ và phòng chống cháy rừng các huyện, thành phố, thị xã có đường dây đi qua để “được” tham gia và trở thành thành viên của Ban chỉ đạo. Các Đội đường dây tiếp tục làm việc với các tổ chức, cá nhân để khi có đốt rừng, đốt rẫy phải liên lạc với bên Truyền tải để cùng tham gia, canh gác phòng chống cháy lan vào hành lang đường dây, với tổng diện tích đốt 372.400 m2 tại 72 khoảng cột.
Ở tuổi 40, Nguyễn Việt Hùng tỏ ra vững vàng, từng trải. Tôi tự lý giải, ắt là mảnh đất gian khó và nghề truyền tải đã “nặn” ra bản lĩnh con người vậy thôi, phải cứng cáp mới tồn tại được. Cũng không biết có phải là tính cách cộng đồng, tâm lý tập thể hay không mà sao tôi chẳng thấy cái nhịp điệu cuộc sống bị ngắt quãng bởi nắng dữ trong những ngày trời nung tháng 7.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.