(HNM) - Theo khảo sát của Bệnh viện Mắt (Hà Nội), tỷ lệ học sinh mắc cận thị tăng dần theo từng cấp: tiểu học là 17,6%; con số này tăng lên 32% ở THCS... Thậm chí, số học sinh bị cận thị lên đến 80% ở một số trường chuyên...
Trẻ em bị cận thị do nhiều nguyên nhân: xem TV, chơi trò chơi điện tử quá nhiều, đọc sách báo trong điều kiện thiếu hoặc thừa ánh sáng... Trong đó, một nguyên nhân quan trọng và đặc biệt phổ biến là việc sử dụng nguồn sáng và cách lắp đặt phương tiện chiếu sáng tại các lớp học. Tình trạng thiếu thiết bị chiếu sáng bảo đảm yêu cầu sư phạm, hoặc lắp đặt chưa hợp lý đã dẫn đến việc phân bổ nguồn sáng không đủ, không đồng đều... đã góp phần làm gia tăng tình trạng cận thị ở lứa tuổi học trò.
Nhiều năm qua, chúng ta đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu, các cuộc hội thảo, thậm chí cả những dự án chiến lược nhằm làm giảm dần hiện tượng trẻ bị các bệnh về mắt, với mục tiêu có được những thế hệ thanh, thiếu niên không mắc các bệnh về mắt do ảnh hưởng của môi trường.
Những lời khuyến cáo, những kiến nghị của các ngành chức năng thông qua các cuộc điều tra chuyên môn xem ra cũng đánh động xã hội, tạo hiệu ứng lo lắng từ trong trường học đến nhiều thế hệ cha mẹ học sinh. Nhưng cũng xem ra, những khuyến cáo, kiến nghị ấy cũng mãi chỉ là kiến nghị, không có lời giải thỏa đáng.
Tình trạng thanh, thiếu niên, đặc biệt là học sinh các cấp từ bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông mắc các chứng bệnh về mắt (đa phần là cận thị) do ảnh hưởng của môi trường học tập dường như lại có chiều hướng gia tăng.
Trước thực tế đáng buồn này, Đảng, Nhà nước, các ngành y tế, giáo dục đã đưa ra nhiều giải pháp để giữ gìn đôi mắt trẻ thơ. Trong các giải pháp đó có hướng phối hợp với các doanh nghiệp, nhà sản xuất để cải thiện chiếu sáng học đường . Và một số doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh thiết bị chiếu sáng đã hăng hái cùng hội cha mẹ học sinh và lãnh đạo nhiều trường học trên địa bàn cả nước thực hiện “Dự án thí điểm chiếu sáng hiệu quả học đường”. Đến nay, 62 tỉnh và thành phố cả nước đã có tới trên 1.000 trường học các cấp đã tham gia dự án, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Qua câu chuyện này, câu chuyện có thể rất nhỏ, nhưng sự phối hợp của các cơ quan quản lý và các nhà sản xuất gắn với thực tế đời sống xã hội mang lại hiệu quả kinh tế xã hội không nhỏ chút nào. Khi hệ thống chiếu sáng học đường được cải thiện, số học sinh bị cận thị giảm đi cùng với lượng điện không hề nhỏ được tiết kiệm thì việc tưởng như nhỏ ấy đã mang tới ý nghĩa xã hội thật lớn lao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.