Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện người nuôi chim trời ở Bạc Liêu

Thùy Linh - Đỗ Vượng| 17/02/2013 06:27

(HNM) - Hơn 30 năm làm một việc không giống ai là… nuôi chim trời, đến nay


Dáng vẻ khắc khổ với đôi vai gù gù, dấu ấn của nhiều năm lam lũ, nhưng bù lại, ông Tám Hiền - chủ vườn chim ở ấp 4, xã Phong Thạnh Tây (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) có giọng nói hào sảng đậm chất nông dân Nam bộ. Hẹn gặp tại nhà vào lúc… 5h sáng, ông cho biết đây là thời gian duy nhất ông có thể đưa chúng tôi vào tham quan vườn chim của mình. Nếu trễ hơn thì ông lại bận rộn với hàng loạt công việc đời thường khác cho kế sinh nhai.

Vườn chim của ông Tám Hiền.



Chiếc xuồng ba lá rẽ nước đưa chúng tôi tiến sâu vào "vương quốc" chim trong khu rừng ngút tầm mắt. Mặt trời chưa ló dạng, nhưng hàng nghìn con vạc đi ăn đêm đang về tổ, cùng lũ cò đang ấp trứng nghe tiếng chèo đập cánh dáo dác, réo gọi nhau, bay loạn cả khu rừng tạo ra một cảnh tượng thật kỳ vĩ mà không phải ai cũng may mắn được chiêm ngưỡng. Để có được vườn chim này là hơn 30 năm ông đổ biết bao công sức. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi còn là trai trẻ, từ Bạc Liêu ông về vùng này cày thuê cuốc mướn. Khi đó khu vườn nhà ông hiện tại còn là vùng đất toàn sình lầy, bước xuống là lún, phải múc bằng gàu lên để đắp bờ bao. Vốn không có, vừa làm vừa tích lũy, tiết kiệm, ông bắt đầu mua được những công đất (10 công = 1ha) đầu tiên. Rồi dần dần, ông cũng có được 7 - 8 công đất, đào mương nuôi cá. Đất đào lên, nước lại "đánh" xẹp xuống, lại tiếp tục đào đắp lên, từng chút một. Sức người như chạy đua cùng thiên nhiên.

Đến thập niên 1990, một số chim bỗng bay về khu vườn. Thấy chúng kéo về hàng nghìn con, gia đình ông vừa mừng vừa lo. Mừng vì ông vốn rất thích nuôi chim, nhưng lo càng nhiều hơn vì chúng về sẽ ăn hết tôm, cá, thành quả rất vất vả mới gây dựng được. Rồi ông bắt đầu đi đắp đất làm gò, trồng thêm cây để chim về trú ngụ. Thời gian này, ông và vợ cũng "bất đồng ý kiến" vì bao nhiêu công sức của ông cứ đổ đi nuôi… chim trời, trong khi kinh tế gia đình eo hẹp. Đây là thời gian mà ông bảo "khó từ ngoài vào trong" vì bên ngoài thì bị nạn trộm chim săn bắt, bên trong thì bị vợ càm ràm… Để nuôi dưỡng lũ chim trời này, ông đi khắp Cà Mau, Bạc Liêu, những nơi có vườn chim để học hỏi kinh nghiệm. Vậy mà bọn chim cũng rất "kỹ tính", dù trú ngụ nơi đây nhưng khi đẻ trứng thì chúng "chê", lại bay đi nơi khác. Mãi đến 10 năm sau, khi đất đã "lành", chim mới chịu ở lại đẻ trứng, và sinh sôi nảy nở cho đến nay.

Gắn bó với lũ chim, ông Tám Hiền thuộc làu từng loài chim và đặc tính của chúng: từ diệc, cò, vạc, điên điển đến những loài có trong sách đỏ như chàng bè, bồ nông… Hỏi khu vườn có bao nhiêu con chim thì ông làm bài toán nhỏ: cho là mỗi mét vuông chỉ tính ít nhất là 1 ổ chim đẻ 4 trứng nở ra 4 con, chưa kể chim mẹ. Vậy là cái vườn 10ha của ông có đến hàng triệu con. Quả thật, buổi chiều hôm trước đứng ở đài quan sát của Vườn chim Bạc Liêu, lượng chim bay về theo ước lượng bằng mắt của chúng tôi thì chỉ bằng một phần khu vườn của nhà ông Tám Hiền. Mê hoặc với cảnh yên bình và hùng vĩ của vườn chim buổi sáng, tôi đề nghị ông… cầm mái chèo đập cho chim bay lên để xem thì ông cười nhẹ: "Không được đâu cô ơi, tui giữ gìn dữ lắm! Vì cô ở xa, đặc biệt quý nên tui dẫn đi thôi chứ người khác thì tui không cho vô xem đâu".

Từ ngày chim kéo về trú ngụ thì 10ha đất rừng của ông kể như bỏ hoang, không thu được lợi nhuận trong khi phải bỏ công chăm sóc, bảo vệ, trồng mới hằng năm. Khi các vườn chim nhỏ xung quanh khai thác bán chim rất nhiều thì ông chỉ bắt bán chút ít cho người xung quanh để đầu tư cho cây trồng trở lại… chứ nhưng nhất định không bán nhiều vì sợ chim bỏ đi, không ở lại với vùng "đất dữ". Ước mơ của ông là gìn giữ vườn chim cho con cháu và làm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, ông lại lấn cấn với bài toán giới thiệu vườn chim cho khách và phải giữ gìn, bảo vệ.

"Chim cũng như người, cô à" - Ông Tám Hiền nói và dẫn chứng cho chúng tôi câu chuyện mình tận mắt chứng kiến. Đó là, có lần có con ó từ đâu bay về tấn công những con cò, con vạc. Khi lũ cò, vạc la lên hoảng hốt thì 4 - 5 con diệc dù khác loài nhưng vẫn ào ào bay ra tấn công con ó, bảo vệ. Ông cứ tiếc không có cái máy ảnh để ghi lại những thước phim đó làm kỷ niệm, đồng thời cũng là một cách giáo dục cho con cháu yêu thiên nhiên.

Ở vùng quê hẻo lánh xa xôi này, rất ít khi ông bước chân ra khỏi nhà. Mà ông cũng không đi xa được vì đã quấn quýt với lũ chim mất rồi. Nhiều năm liền, được tỉnh mời lên Bạc Liêu dự hội nông dân sản xuất giỏi, nhưng giữa bốn bức tường khách sạn với máy lạnh chạy xè xè, ông lại thấy ngột ngạt, lại nhớ về vườn chim. Ông thấy mình chỉ là đi chơi, lĩnh giấy khen rồi về nên lần sau… không đi nữa!

Bây giờ, cơ ngơi đã tạm ổn, cũng đã yên tâm về nơi ở của lũ chim, ông Tám Hiền đang ấp ủ kế hoạch đưa vợ con đi du lịch cho biết đó biết đây. Điểm đầu tiên ông "chấm" là Hà Nội. Ông bảo, khi đến Hà Nội ông sẽ vào viếng Bác, thăm Hồ Gươm để về kể cho con cháu nghe. Nhưng ông sẽ chỉ… đi bộ, vì như thế mới có thời gian xem, dừng, ngắm và ngẫm nghĩ. So sánh là khập khiễng, nhưng tình cảm của ông là tự đáy lòng: "Khi Bác gần qua đời vẫn nuối tiếc chưa được đi thăm miền Nam ngày độc lập, vẫn gọi "miền Nam trong trái tim tôi", thì bây giờ đất nước hòa bình, có điều kiện, sao nơi đầu tiên mình đến thăm không phải là Hà Nội, Thủ đô yêu dấu của chúng ta phải không cô?".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện người nuôi chim trời ở Bạc Liêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.