Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện người khâu lá cờ đỏ sao vàng

Kim Thanh| 06/08/2012 07:04

(HNM) - Tôi biết Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ, là người đã vinh dự được dịch mật mã bức điện mật của Bác chúc Tết Trung đoàn Thủ đô dịp xuân Đinh Hợi (1947).


Xin gia tiên vải để... khâu cờ

Ngày ấy, bà Bích Thuận mới 23 xuân xanh mà đã dám làm việc trọng như thế. Bà kể: “Tôi sinh năm 1922 ở làng Lãng Yên, giờ là phường Thanh Lương. Cha tôi học trường Kỹ nghệ thực hành rồi ra làm công chức ngành bưu điện, nên tôi cũng có điều kiện học đến trung học ở trường nữ sinh Đồng Khánh. Đỗ “đíp lôm”, đi dạy học, nhưng mắt thấy tai nghe bao cảnh đời nô lệ, tôi đã tìm đến với cách mạng qua mối quan hệ với chị Hà Giang, lúc đó đang hoạt động ở phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu (PNCQTHD). Tháng 10-1944, tôi tham gia PNCQTHD, bắt đầu hoạt động ở các làng Thanh Nhàn, Bạch Mai… và bị cuốn vào các hoạt động sôi nổi của các chị trên đường phố, ra cả Mễ Trì, chùa Láng dự mít tinh.


Mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945.Ảnh: tư liệu



Tháng 7-1945, Hà Nội sục sôi trong không khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Đồng chí Trần Ngọc Minh, cán bộ Ban công vận Thành ủy giao nhiệm vụ cho đồng chí Bùi Hồng Việt, Bí thư chi bộ công nhân cứu quốc (CNCQ) phố Lò Đúc tổ chức treo cờ trên đỉnh Tháp Rùa đúng vào ngày chính phủ Trần Trọng Kim treo cờ quẻ ly. Bốn người của tổ CNCQ là các ông Hoàng Hải, Bùi Đình Lợi, Hoàng Duy Thành, Lê Hoàng, do ông Hải làm tổ trưởng, nhận nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc này. Nhưng kiếm vải đỏ ở đâu? May thay, ông Lê Hoàng thân với em trai bà Bích Thuận là Nguyễn Văn Quý - nên đã đến vận động bà may cờ. Bà Bích Thuận kể tiếp: Tôi nhận lời anh Hoàng ngay. mặc dù chỉ biết anh Hoàng qua em trai; nhưng tôi cảm nhận chắc anh đang hoạt động trong tổ chức khác của Việt Minh (sau này tôi mới được biết anh ở trong tổ chức CNCQ Lò Đúc). Sợ ra chợ mua vải đỏ dễ bị lộ, tôi suy nghĩ rồi quyết định giấu gia đình, sẽ may cờ bằng mảnh vải đỏ phủ trên bàn thờ gia tiên. Tôi tin khi cha tôi biết, chắc cũng sẽ đồng ý với việc tôi đang làm. Tôi bí mật cắt khổ vải khoảng 40cmx50cm để khâu cờ; phần vải còn lại, tôi đặt trên ngai thờ. Còn ngôi sao, do không tìm được vải vàng nên chúng tôi phải sơn năm cánh sao vào vải đỏ. Lá cờ treo trên đỉnh Tháp rùa đêm 1-7-1945 tung bay đến tận 10h sáng 2-7, bọn địch mới loay hoay gỡ xuống. Tôi rất tự hào vì mình đã góp phần nhỏ bé vào sự kiện gây tiếng vang giữa trung tâm thành phố, có tác động lớn đến các tầng lớp nhân dân đang sục sôi đấu tranh, chuẩn bị vùng lên giành chính quyền.

Hai lần được gặp Bác Hồ

Chiều 19-8, hòa trong làn sóng người đi giành chính quyền, bà Bích Thuận từ quảng trường Nhà hát lớn đi theo mũi chiếm Trại bảo an binh (ở phố Hàng Bài). Ngay trong chiều ấy, bà được lệnh đưa mấy chị em PNCQ đến Ty liêm phóng (trụ sở công an thành phố bây giờ) nhận nhiệm vụ nuôi quân. Sau một thời gian ngắn làm chị nuôi, bà được điều động trở lại làm điện thoại viên ở Sở Bưu điện Bờ Hồ để phụ trách hơn 40 chị em ở đây, bảo đảm liên lạc thông suốt. Tháng 3-1946, bà được kết nạp vào Đảng ở 51 Hàng Bồ. “Lễ kết nạp đơn giản lắm. Trong căn phòng nhỏ chỉ có hai chiếc ghế đẩu. Anh Hoàng Tùng và chị Hoàng Ngân làm lễ kết nạp tôi vào Đảng. Tôi nhớ nhất anh Hoàng Tùng đọc điều lệ Đảng rồi dặn tôi: Kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt. Và tôi tự nhủ mình phải làm tốt mọi nhiệm vụ. hồi ấy, chúng tôi hiểu Đảng và 5 bước công tác còn đơn sơ lắm, nhưng nhiệt tình và lý tưởng cách mạng thì luôn được hình ảnh Bác gần gũi, giản dị sáng soi.


Bà kể lại hai lần gặp Bác đều để lại kỷ niệm sâu sắc: Lần thứ nhất vào dịp tết Bính Tuất; tôi là cán bộ PNCQTHD ở khu Bạch Mai đi cùng với đoàn cán bộ thành phố do đồng chí Hoàng Tùng dẫn đầu vào chúc tết Bác ở Bắc bộ phủ. Bác rất gầy, nhưng đôi mắt sáng, nhìn chúng tôi rất hiền từ. Tôi và chị Hải Phương đều muốn đứng bên Bác chụp ảnh. Tôi nhìn Bác chăm chú, nhớ ra đã thấy ảnh Bác in trong sách Parti communiste Indochinois - sách do mật thám Pháp in để nghiên cứu, tìm hiểu Đảng cộng sản Đông Dương; tình cờ sau ngày Nhật đảo chính Pháp có một người bạn đưa cho tôi xem, nhưng lúc ấy tôi đâu biết đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Việc được vinh dự gặp, chúc tết Bác dịp tết Bính Tuất là một dấu mốc sâu sắc trong cuộc đời tôi.

Lần thứ hai vào tháng 3-1946, tôi lại được gặp Bác bất ngờ đến thăm Sở Bưu điện Bờ Hồ. Người vào phòng điện thoại ngay đầu giờ làm việc, theo sau là ông chủ sự Nguyễn Văn Hùng và hai đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Vũ Kỳ. Tôi ngồi ở bàn gần cửa ra vào nên thấy ngay Bác đến. Bác dừng ở đầu phòng, lặng lẽ quan sát các điện thoại viên thao tác nhịp nhàng, chính xác, bảo đảm mạng thông tin từ Thủ đô Hà Nội đi toàn quốc. Bác không muốn sự có mặt của Bác ảnh hưởng đến công việc đang chạy đều của chúng tôi. Chính sự tôn trọng của Bác đã khiến tôi và chị em cảm động, tin tưởng, khâm phục Người. Sau đó, Bác đã nói chuyện với một số viên chức của sở, động viên anh em khắc phục khó khăn, làm việc đúng giờ, thực hiện cần kiệm, xây dựng chính quyền cách mạng.

Người dịch bức mật mã gửi Trung đoàn Thủ đô

Năm 1946, bà Bích Thuận được Hội PNCQTHD phân công phụ trách PNCQ Liên khu II với các tổ Quán Sứ, Chợ Hôm, Bạch Mai, Bà Triệu, Lò Đúc. Cách mạng không chỉ đổi đời cho chị em lao động nghèo mà còn mang lại ánh sáng văn hóa, xây dựng đời sống mới. Bà đã tích cực vận động chị em quyên góp, ủng hộ tiền, vàng cho Chính phủ. Tháng 11-1946, bà được điều động về cơ quan Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ để làm nhiệm vụ mã hóa và dịch mã các bức điện mật của Trung ương. trong cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Thủ đô mở đầu toàn quốc kháng chiến, công việc mã hóa và dịch mã đã cho bà vinh dự là người dịch bức mật mã của Bác chúc Tết Trung đoàn Thủ đô dịp xuân Đinh Hợi (1947). Mỗi dòng thư Bác không chỉ là tình cảm ấm áp, sự quan tâm sâu sắc, động viên thăm hỏi các chiến sĩ Trung đoàn mà còn thể hiện quyết tâm kháng chiến của toàn dân tộc. Dòng chữ nổi tiếng trong thư đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, cao quý, tự hào của Hà Nội anh hùng trong 60 ngày khói lửa chống thực dân Pháp xâm lược: “Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Bà nói: Tôi đã dịch bức điện của Bác trong niềm xúc động trào dâng. Dịch xong, tôi cẩn thận kiểm tra lại và đưa tận tay anh Trần Quốc Hoàn cả bản điện gốc và bản điện dịch. Đó là một tờ giấy viết tay nho nhỏ, nhưng tôi vẫn nhớ như in từng từ trong nội dung bức điện”.

Thu này đã tròn 90 tuổi song bà Nguyễn Thị Bích Thuận vẫn luôn tâm huyết làm gì có ích cho Đảng. Những kỷ niệm sâu sắc trong những tháng năm được gần gũi Bác, nghe Bác dạy những lời ân cần, khắc sâu trong lòng bà. Nhìn bức ảnh Bác gầy gò, miệng ngậm điếu thuốc, đang cho con gái bà - chị Minh Thu ăn xôi trên Việt Bắc năm 1951 mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An đã chụp, tôi cảm nhận hạnh phúc lớn lao của bà và nguồn sáng trong tâm bà chính là hình ảnh Bác Hồ kính yêu giản dị, thanh cao mà vĩ đại như thế đó!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện người khâu lá cờ đỏ sao vàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.