(HNM) - Giới làm sách điện tử (ebook) có một câu chuyện bi hài thế này: Giám đốc một đơn vị bán ebook có bản quyền phát hiện ra nhiều đầu sách mình đã mua nay bị "luộc" trắng trợn trên một trang mạng điện tử.
Nhã nhặn, lịch sự, vị giám đốc này điện thoại cho người đứng đầu trang mạng, và… không dám bức xúc, chỉ đề nghị được hợp tác! "Tức là thay vì bán sách đi "chôm", nay mời anh tham gia kết nối với đơn vị để cùng bán sách có bản quyền. Lợi nhuận chia nhau cùng hưởng!". Trên điện thoại thì "ok", thế nhưng đến lúc đề nghị gặp trực tiếp thì phía trang mạng chuyên buôn sách lậu kia lặn mất tăm!
Người trong nghề thấy thế chỉ biết lắc đầu. Đúng là chuyện ngược đời, ai lại đường đường người ngay lại phải chạy theo dỗ dành kẻ gian dối!
Có chuyện này, có lẽ một phần do việc buôn bán sách điện tử không bản quyền giờ đã quá công khai, vi phạm đấy mà không bị xử lý. Biết đấy mà không thể làm gì vì chẳng đơn vị nào đủ sức theo đuổi kiện tụng suốt ngày. Tác giả thì không phải ai cũng biết mình có sách bị "luộc". Có người biết, gọi điện "chất vấn" thì trang mạng làm lậu lờ đi, có nơi cũng gỡ xuống, nhưng một vài đầu sách bị gỡ thì thấm tháp gì so với hàng chục nghìn sách "thuổng" đủ loại, từ sách văn học cho đến sách nghiên cứu, giảng dạy. Tốc độ "bắn" sách lậu thì khủng khiếp, cả chục nghìn bản mỗi tháng, cứ gọi là "bỏ xa" dân làm sách tử tế vốn chỉ đạt mức khoảng trên dưới nghìn bản mỗi tháng. Trước sự thách thức công khai của ebook không bản quyền, giới làm sách tử tế đành chuyển chiến thuật, có điều vẫn thua như thường.
Được công nghệ hỗ trợ, việc làm và nhân bản sách điện tử trở nên quá dễ dàng. Không phải trả tiền bản quyền cho tác giả, không lo bị "chôm", lợi nhuận ăn cả, nên theo "triết lý" của giới làm lậu thì câu chuyện trang mạng bán sách lậu từ chối lời mời tử tế nói trên là điều dễ hiểu.
Và chuyện ngược đời ấy vẫn đang diễn ra. Rất sôi nổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.