Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyên nghiệp hóa bóng đá từ khủng hoảng?

Huy Hoàng| 15/11/2012 06:49

(HNM) - Trong cơn khủng hoảng của bóng đá Việt Nam, không ít lãnh đội hài lòng vì không còn phải lo đối phó với những trò ma mãnh của cầu thủ. “Cầu thủ bây giờ biết điều hơn trước rất nhiều” - một lãnh đội nhận xét.

Các cầu thủ Sông Lam Nghệ An đang trong tâm trạng khá bất an, bởi có thể bị ''ra đường'' bất cứ lúc nào. Đến cả cựu đội trưởng Huy Hoàng cũng đang có tin đồn là ''sắp được mời lên phòng lãnh đạo uống nước để bàn lại hợp đồng''. Trước đó, tiền đạo Văn Quyến, rồi tiền đạo từng khoác áo ĐT U.23 quốc gia Nguyễn Ngọc Anh cũng được tạo điều kiện ra đi. Ở thời điểm này, trừ những ngôi sao như Công Vinh, Thành Lương, còn hầu hết cầu thủ bị thất nghiệp đều rất khó kiếm việc mới do hơn 100 cầu thủ V.League đang nháo nhào tìm việc cho kịp mùa giải mới.


Trước thực trạng “khủng hoảng thừa”, các cầu thủ được trả về với đúng giá trị của mình.Ảnh: Đức Anh

Chỉ tính sơ sơ đã có ít nhất 3-4 đội bóng V.League có thể không dự tranh mùa giải tới. Nếu tính thêm cả những đội hạng Nhất như Trẻ SHB.Đà Nẵng, Trẻ K.Khánh Hòa, Trẻ BĐ Hà Nội... đang gặp nhiều khó khăn để tồn tại thì ''ngân hàng cầu thủ'' đang thừa nguồn cung để các đội bóng lựa chọn. Thời gian qua, các đội bóng nhà giàu như Hoàng Anh Gia Lai hay B.Bình Dương liên tục được các cầu thủ thuộc loại ''hàng tuyển'' gõ cửa xin gia nhập. Cuộc ''khủng hoảng thừa'' này cũng khiến nhiều đội bóng có điều kiện tinh lọc đội ngũ, thanh trừ những ''siêu quậy'' để phát triển khỏe khoắn hơn.

Cái được lớn nhất của cơn khủng hoảng hiện nay là trả các cầu thủ về đúng giá trị và vị trí của mình. Trước đây, quyền lực thực sự ở một số đội bóng không thuộc về lãnh đội hay HLV trưởng, bởi chỉ cần một nhóm cầu thủ đầu tàu cấu kết với nhau là đủ để khống chế kết quả thi đấu. Trong rất nhiều trường hợp, khi "chiến tranh" nổ ra giữa HLV với nhóm cầu thủ trụ cột thì bao giờ ông chủ cũng phải cho HLV ra đi dù biết rằng phía gây chuyện là cầu thủ. Nếu ai lựa chọn cách cho cầu thủ ra đi thì ngay lập tức có đội khác ''đón rước'' bằng khoản lót tay khủng nên họ càng có cớ để gây chuyện. Có một cầu thủ từng kiếm hơn 20 tỷ đồng tiền lót tay chỉ nhờ việc liên tục chuyển hết CLB này đến CLB khác.

Ai cũng hiểu sự nguy hại của ''quyền lực đen'' với các đội bóng, nhưng không sao loại trừ nổi. Phải nhờ đến cơn khủng hoảng sâu rộng của bóng đá Việt Nam thì các cầu thủ mới thôi đòi hỏi và yêu sách. Đơn cử, các cầu thủ V.Ninh Bình vốn có tiếng là hay quậy mà mới đây cũng phải chịu thua thái độ cứng rắn của Ban lãnh đạo đội bóng và chấp nhận trừ mỗi người một tháng lương do ''toàn đội tự ý bỏ tập để phản đối chuyện chậm lương''.

Tất nhiên, khi quyền lực chuyển giao từ tay cầu thủ sang lãnh đạo thì cũng có không ít người phải chịu thiệt thòi. Chẳng hạn như chuyện thủ môn Viết Nam bị lãnh đạo Sông Lam Nghệ An gọi lên đòi thanh lý hợp đồng với lý do ''nhà tài trợ nghi ngờ bán độ ở trận thua SHB.Đà Nẵng 0-4''. Còn người trong cuộc thừa biết lý do thực sự là gì!

Vậy nên, để bảo đảm cho quyền lợi của hai bên thì các đội bóng cần có thái độ cứng rắn, quyết liệt với những biểu hiện thiếu chuyên nghiệp của cầu thủ. Và ngược lại, đã đến lúc các cầu thủ cần thành lập Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp, đồng thời có người đại diện trong các cuộc thương thuyết hợp đồng để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Đó mới là bóng đá chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên nghiệp hóa bóng đá từ khủng hoảng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.