Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển mình cùng Biển Đông

An Nhi| 14/06/2014 07:11

(HNM) - Sân khấu, loại hình nghệ thuật có sức lay động khán giả đang chuyển mình cùng Biển Đông - đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ.


Nghệ thuật sân khấu gần đây không còn thiên về đề tài lịch sử, chiến tranh - những mảng miếng không còn "ăn khách" như trước. Đề tài về biển đảo, nhất là những phản ánh về đời sống, lao động, rèn luyện, chiến đấu của nhân dân và chiến sĩ ở các vùng biển đảo của Tổ quốc còn hiếm hoi.


Có rất ít tác phẩm về biển đảo được đưa lên sàn diễn, nếu có thì cũng là những vở diễn "mượn" biển để nói về bờ. Trong bối cảnh đó, vở kịch nói "thuần" hơi thở biển đảo mang tựa đề "Vòng tay bất tử" (tác giả Lê Quý Hiền, Nhà hát kịch Quân đội dựng) nổi lên như "cột cờ trong bó đũa", đề cập trực diện nỗi vất vả hằng ngày của chiến sĩ nơi hải đảo trong việc thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển, vượt qua bão tố để bảo vệ nhà giàn DK... Điều đáng nói là "Vòng tay bất tử" đã qua hơn 700 suất diễn từ khi ra mắt cách đây gần 3 năm và hiện vẫn "sáng đèn", cho thấy khán giả không hề thờ ơ với đề tài biển đảo Việt Nam.

Vậy thì vì sao các nhà hát lại thờ ơ với mảng đề tài được nhiều người quan tâm? NSND Lê Tiến Thọ nhận định: "Lâu nay nghệ thuật thiếu vắng tác phẩm gây tiếng vang về biển đảo, một phần vì thiếu chất liệu thực tế, một phần vì tâm lý ngại đụng chạm trực diện đến vấn đề thời sự. Tác phẩm không hay, không được đầu tư sáng tạo nghiêm túc thì khó tạo sức hút công chúng".

Từ tháng 5 vừa qua, khi chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang bị xâm phạm nghiêm trọng, sân khấu cũng bắt đầu chuyển động, hướng tới đề tài gắn với biển đảo Việt Nam. Đó là việc Nhà hát Kịch Việt Nam đang diễn lại những vở về biển đảo từng có được thành công trước đó, đồng thời "đặt hàng" sáng tác mới. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khấp khởi vì đã có trong tay 5 kịch bản về đề tài này vừa rời bàn phím. Đó là sản phẩm có từ chuyến đi thực tế của các tác giả hội viên đến Trường Sa hồi cuối tháng 4 và Trại sáng tác kịch bản tại Vũng Tàu vào tháng 5 vừa qua. NSND Lê Tiến Thọ cho biết, 5 kịch bản này đều đề cập trực diện đến vấn đề đang diễn ra ở Biển Đông. Các tác giả cho thấy sự nghiên cứu sâu sắc về lịch sử, có xúc cảm sáng tác từ những chuyến đi thực tế và nhiều ý tưởng xây dựng hình tượng chiến sĩ hải quân. Sắp tới, những kịch bản này sẽ được dàn dựng để chuyển tới khán giả.

Một thời kỳ mới của sân khấu đương đại đang được mở ra khi cuối tuần qua Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức buổi giao lưu vô cùng ý nghĩa giữa giới làm nghề với cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân. Tại đó, Thượng tá Nguyễn Đăng Tiến, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân chủng đã cung cấp nhiều tư liệu, phổ biến tình hình Hoàng Sa cũng như tinh thần kiên cường, dũng cảm thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển... Đó được xem là chất liệu quý giá giúp các nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật hướng về Hoàng Sa thân yêu.

Với người nghệ sĩ, điều quan trọng nhất vẫn là khơi nguồn cảm hứng sáng tạo để có được tác phẩm hay. Nhà viết kịch Lê Quý Hiền tự nhận rằng "Vòng tay bất tử" được ông viết khi chưa đi Trường Sa, nếu viết khi đã ra đảo rồi thì chắc chắn vở diễn còn hay hơn nữa. NSƯT Chí Trung, đạo diễn của "Nụ cười chiến sĩ" cũng có lần tiết lộ, rằng chất liệu để làm nên 4 tiểu phẩm sâu lắng này có được từ những mẩu chuyện vui về người lính, nhưng phần đóng góp của tác giả Đinh Tiến Dũng quyết định 50% thành công - chủ yếu là nguồn cảm hứng chân thực có từ chuyến đi thực tế tại Trường Sa của anh này.

Nhiều tác giả nhận định rằng, viết kịch bản về đề tài biển đảo là mong ước, là nỗi trăn trở của họ từ lâu, nhưng, để hiện thực hóa mơ ước thì cần có "cú hích" từ thực tế. Nhà viết kịch Chu Thơm viết xong kịch bản "Thường dân" ngay khi chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa kết thúc. Ông kể rằng mình đã thực sự sốc khi chứng kiến anh em chiến sĩ quý nước ngọt như máu, tự nhiên thôi thúc quyết tâm viết, viết thật hay. Đêm nào Chu Thơm cũng soi đèn pin, mở đèn điện thoại để viết. "Lúc đó cảm xúc và ý tưởng đến ào ạt, nó thức tỉnh trong mình ý nghĩa đích thực của cuộc sống, sự hy sinh và lòng dũng cảm". Không chỉ riêng Chu Thơm mà nhiều nghệ sĩ có chung cảm giác đó.

Theo NSND Lê Tiến Thọ, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ cố gắng tổ chức nhiều trại sáng tác chuyên về đề tài biển đảo, hướng tới mục tiêu tổ chức liên hoan sân khấu về đề tài này trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển mình cùng Biển Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.