Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển mạng vẫn giữ số, khi nào?

Việt Nga| 26/05/2012 07:14

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa làm việc với Cục Viễn thông về kế hoạch triển khai đề án

Cho dù vẫn đang trong quá trình xây dựng, nhưng điều này cho thấy mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước là đẩy mạnh sự cạnh tranh trên thị trường viễn thông di động nhằm đem lại lợi ích cho người sử dụng.

Tháng 8-2011, ngay sau lễ ra mắt Cục Viễn thông (tiền thân là Vụ Viễn thông), lãnh đạo Cục cũng cho biết, một trong những nhiệm vụ phải làm là xây dựng đề án chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao. Đáng chú ý, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi một số chuyên gia về viễn thông, đại diện cơ quan quản lý nhà nước đều ủng hộ triển khai đề án này và cho rằng đó là tất yếu khi thị trường bão hòa, thì các nhà mạng lớn lại không đồng tình, cho rằng thị trường trong nước chưa phù hợp để triển khai đề án.

Theo tổ soạn thảo đề án do Cục Viễn thông chủ trì, thị trường trong nước đã hội đủ một số điều kiện để triển khai, đó là có 6 nhà cung cấp dịch vụ di động và tỷ lệ thuê bao lớn với 1,5 máy/dân, cước dịch vụ tương đối thấp. Ngoài ra còn có vấn đề khác như lượng sim rác trên thị trường rất lớn và phải có biện pháp để hạn chế. Do vậy, nếu áp dụng chính sách cho phép chuyển mạng vẫn giữ nguyên số thuê bao, khách hàng sẽ được quyền lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất, bản thân các DN sẽ có cuộc cạnh tranh quyết liệt… Cục Viễn thông cũng đề xuất, 3 nhà mạng chiếm thị phần khống chế (hơn 95% thị phần) Viettel, Mobifone, Vinaphone sẽ thực hiện chính sách này trước, các mạng nhỏ sẽ thực hiện sau; thời điểm áp dụng từ tháng 10-2014. Nhưng về vấn đề thời điểm áp dụng đề án, lãnh đạo Bộ TT-TT cho rằng thời điểm này đưa ra phương án vẫn còn quá sớm, đồng thời yêu cầu tổ soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến từ các đơn vị liên quan…

Câu hỏi được đặt ra là khi đề án thực hiện, ai sẽ được lợi? Để trả lời câu hỏi này, xin được nói về 3 nhà mạng giữ thị phần khống chế Viettel, Mobifone, Vinaphone. Hiện nay, họ chiếm tới 95% thị phần, do vậy họ chịu sự quản lý của Nhà nước về giá cước cũng như các chương trình khuyến mãi, nghĩa là nếu có bất kỳ điều chỉnh nào, họ phải báo cáo cơ quan quản lý để thẩm định và chỉ được áp dụng khi có sự phê chuẩn. Trong khi đó, các mạng nhỏ chỉ cần gửi văn bản thông báo tới cơ quan nhà nước. Do vậy, trong cuộc đua về khuyến mãi, nhất là gần đây khách hàng của các mạng lớn thường thiệt thòi hơn mạng nhỏ. Và nếu áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số, thuê bao của mạng lớn sẽ rời bỏ để sang mạng nhỏ dùng cước ưu đãi. Với 3 mạng nhỏ S-Fone, Vietnamobile, Beeline, điểm yếu của họ là chất lượng dịch vụ chưa tốt, do vùng phủ sóng vẫn còn hạn hẹp, vậy khi cơ sở hạ tầng chưa đủ mạnh, mà cứ khuyến mãi ồ ạt, khiến thuê bao các mạng lớn chuyển sang sẽ gây ra những hệ quả không tốt, thậm chí mang lại tiếng xấu cho DN. Song, theo các chuyên gia, so với các mạng lớn, mạng nhỏ ở thế được lợi vì họ chẳng có gì để mất. Từ những phân tích trên, suy rộng ra có thể thấy, các mạng lớn sẽ không mặn mà với chính sách này.

Nhưng dưới một góc độ khác, có thể thấy, chưa chắc khách hàng đã mặn mà với việc chuyển mạng. Vì thường các thuê bao sẽ rất ngại phải chuyển đổi (cho dù vẫn được giữ số), trong khi họ hoàn toàn có thể lựa chọn cách khác để dùng ưu đãi của mạng khác như mua thẻ sim dùng hết khuyến mãi rồi bỏ… Hơn nữa, với hầu hết khách hàng, 3 nhà mạng "đại gia" cũng biểu trưng cho chất lượng dịch vụ tốt, vậy nếu chuyển sang dùng của mạng nhỏ khác nào "phú quý giật lùi"… Tuy nhiên, thực hư như thế nào, vẫn phải đợi khi chính sách được áp dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển mạng vẫn giữ số, khi nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.