Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện không dễ giải quyết của đấu kiếm Việt Nam

Minh Quang| 12/09/2016 07:00

(HNM) - Không còn giữ thế áp đảo như tại SEA Games năm 2015 nhưng đấu kiếm Việt Nam vẫn xếp ngôi nhất toàn đoàn tại Giải vô địch Đấu kiếm Đông Nam Á 2016 với việc giành 5/12 HCV cùng 6 HCB, 7 HCĐ. Vấn đề đáng lưu tâm hiện nay là tìm kiếm và đầu tư cho những hạt nhân trẻ đúng hướng, dù vẫn trông vào



Đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đã trở về nước sau kỳ lên ngôi nhất toàn đoàn khá nhọc nhằn. Các kiếm thủ Việt Nam đã tạo nên những điểm nhấn đáng kể, trong đó có sự ổn định ở nội dung kiếm chém nam - nội dung thế mạnh của đội. Việc giành cả HCV đồng đội nam, HCV cá nhân, trong đó cả 4 kiếm thủ Việt Nam đều chiếm ngôi cao nhất, giành trọn bộ huy chương đã khẳng định sức mạnh tuyệt đối ở nội dung này của đấu kiếm Việt Nam. Đấy là điều để đấu kiếm Việt Nam tự tin hướng đến tương lai, nhất là cả sau những thành công ban đầu tại Olympic 2016 vừa qua. Ở đó, Vũ Thành An đã đánh bại cựu vô địch thế giới Diego Occhiuzzi (Italia) ngay ở vòng đấu đầu tiên, tạo nên bất ngờ trong làng đấu kiếm thế giới. Ngoài Vũ Thành An, kiếm thủ Đỗ Thị Anh cũng giành một chiến thắng tại Olympic và chỉ chịu dừng bước trước á quân - tay kiếm nổi tiếng thế giới Arianna Errigo (Italia) sau cuộc thư hùng đầy gay cấn. Đỗ Thị Anh dù thua nhưng ở góc độ thuần túy chuyên môn chứ không phải do non kém về bản lĩnh. Và nhiều người vẫn tin rằng tay kiếm này sẽ còn tiến xa nếu tiếp tục rèn luyện tích cực. Đến một sân chơi cấp độ nhỏ hơn như Giải vô địch Đông Nam Á vừa qua, Đỗ Thị Anh đã lên ngôi đầy thuyết phục ở nội dung cá nhân, khẳng định sức mạnh của đấu kiếm Việt Nam.

Một lần nữa, điều này chứng tỏ nhận định của Chủ nhiệm CLB Đấu kiếm Hà Nội Phạm Anh Tuấn từ trước Olympic 2016 rằng hoàn toàn có thể thấy trước tương lai của đấu kiếm Việt Nam sẽ thuộc về ai, ở nội dung nào và tới đâu. Khi đó, ông Phạm Anh Tuấn đã chỉ ra hai cái tên là Vũ Thành An và Đỗ Thị Anh. Đến lúc này, nhận định ấy vẫn chính xác, nhưng chính ông cũng chỉ rõ con đường đi lên đẳng cấp thế giới của hai tay kiếm này và một số tay kiếm trẻ khác nhằm giúp đấu kiếm Việt Nam có một vị trí tốt hơn tại Olympic 2020 cũng không đơn giản. Đầu tư mạnh tay nhưng đầu tư ra sao, như thế nào lại là câu chuyện khác. Đấu kiếm Việt Nam đã khẳng định vị thế khi lần đầu giành tới 4 vé dự Olympic (năm 2016) với cách đầu tư theo kiểu “nhà nghèo vượt khó”. Từ năm tới, đấu kiếm sẽ được đầu tư mạnh hơn nhưng vẫn cần sự chung tay nhiều hơn từ các địa phương thay vì chỉ trông vào Tổng cục TDTT.

Ngay trong thành công của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam ở giải Đông Nam Á vừa qua cũng có nhiều vấn đề được chỉ ra, trong đó có thất bại bất ngờ của những kiếm thủ kỳ cựu, từng nhiều năm “vô đối” tại khu vực như Nguyễn Thị Lệ Dung (chỉ giành HCB kiếm chém cá nhân nữ), Nguyễn Tiến Nhật (HCĐ kiếm 3 cạnh cá nhân nam). Vấn đề đáng lưu tâm hiện nay là tìm kiếm và đầu tư cho những hạt nhân trẻ đúng hướng, dù vẫn trông vào các tay kiếm kỳ cựu trên. Đấy cũng là câu chuyện không dễ giải quyết với đấu kiếm Việt Nam lúc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện không dễ giải quyết của đấu kiếm Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.