(HNM) - Hà Nội được coi là “mỏ vàng” đối với phát triển công nghiệp văn hóa, khi hội tụ nhiều tiềm năng, nguồn lực. Trong số 12 ngành công nghiệp văn hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8-9-2016 tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật; nhiếp ảnh, triển lãm truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa), Hà Nội đều mang trong mình những năng lực nổi trội, riêng có.
Trên cơ sở đó, Hà Nội được Chính phủ xác định là một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước. Đây là vinh dự, niềm tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của thành phố. Triển khai nhiệm vụ này, năm 2017, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Hà Nội đã dành nguồn lực thúc đẩy hoạt động văn hóa, để từ đây các không gian phố sách, phố đi bộ, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh… trở thành điểm hẹn cộng đồng, thu hút đông đảo người dân tham gia, hưởng thụ. Thực tế này đã làm giàu có thêm đời sống tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần nâng tầm vị thế của Thủ đô trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, những tiềm năng của thành phố chưa chuyển hóa thành sức mạnh như mong muốn. Do đó, để trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, thành phố đã chủ trương xây dựng nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Điều này thể hiện quyết tâm, khát vọng phát triển rất lớn của Hà Nội trong việc đưa công nghiệp văn hóa phát triển xứng với tiềm năng, vị thế của "Thành phố sáng tạo".
Và việc Ban Chỉ đạo Chương trình số 06/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” tổ chức tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” vào hôm qua (10-6), để lấy ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, chuyên gia cho thấy sự cầu thị rất cao. Những tham vấn này sẽ giúp thành phố xây dựng nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa mang tính dài hạn, phù hợp với thực tiễn.
Dù vậy, không thể chờ đến khi có nghị quyết mới hành động. Vì thế, các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan của thành phố, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, cần chủ động tìm giải pháp khắc phục những hạn chế; tiếp tục phát triển một số lĩnh vực có thế mạnh và đã đạt được những kết quả tích cực trên thực tế, như: Du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ…
Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực kinh tế “trẻ”, phù hợp xu thế quốc tế, nên nếu được đầu tư đúng tầm, tạo môi trường thuận lợi, sẽ là nguồn lực nội sinh, là “sức mạnh mềm” giúp Thủ đô vừa phát triển, vừa mang bản sắc riêng. Do đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân Thủ đô, để các chủ thể nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, từ đó có ý thức đóng góp cho lĩnh vực này.
… Với tầm nhìn, cơ chế, chính sách của thành phố, nguồn lực tổng hợp của xã hội, mọi tiềm năng, nguồn lực sẽ được chuyển hóa thành sức mạnh, đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.