(HNM) - Vừa vào phòng để làm bài tập được một lúc, cậu cháu đích tôn 10 tuổi của ông Quang (phường Giang Biên, Long Biên) đã chạy ra vồ lấy ông thút thít, còn bố cậu bé mặt hầm hầm, cầm một tập giấy đi đằng sau. Xót cháu, ông Quang vội trách:
- Mới học bài được một tí, anh đã làm gì mà để thằng bé khóc thế?
- Nào con đã làm gì đâu - anh Quang nói giọng bực bội - Nó xin con giấy để vẽ tranh, con đưa cho chỗ giấy này, nó lại chê xấu rồi quăng đi. Con còn chưa kịp phạt nó đấy.
Hỏi han ngọn ngành, ông Quang mới biết, gần đây, cơ quan của con trai ông có quy định về sử dụng "giấy một mặt". Tức là những giấy tờ, tài liệu mới được in một mặt, một mặt còn để trắng, sau khi sử dụng phải được cất vào một hộp riêng để đến khi cần in những văn bản ít quan trọng hoặc mang tính tham khảo cho đỡ lãng phí. Thấy cách làm này hay, anh Quang cũng lập một "hộp giấy một mặt" tại nhà. Tối nay vừa phổ biến cho vợ con, nhân tiện cho cậu con trai một ít giấy một mặt để thực hành luôn, ai dè nó phản ứng, đòi bằng được giấy trắng hai mặt thì mới chịu vẽ tranh.
Nghe xong, ông Quang ôn tồn dỗ dành cháu:
- Bố cháu làm thế là phải đấy. Ông cũng ra quy định luôn, từ giờ trở đi, cháu chỉ được dùng giấy hai mặt trắng khi làm những bài học do cô giáo giao. Việc vẽ tranh chơi, làm nháp, làm bài luyện tập thêm ở nhà phải sử dụng giấy một mặt. Gấp đồ chơi thì chỉ được dùng giấy đã sử dụng cả hai mặt.
Cô cháu gái lớn nghe ông nói vậy, cũng lên tiếng góp chuyện:
- Ngày mai, khi họp chi đoàn ở lớp, cháu cũng sẽ phổ biến với các bạn về giấy một mặt để cùng sử dụng, ông ạ.
Ông Quang tấm tắc khen cháu ngoan, ngẫm nghĩ: Giá cơ quan nào cũng có hộp giấy một mặt như cơ quan nọ thì tốt biết mấy!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.