(HNM) - Một ngày đầu năm 1997, tại phòng thường trực Đại sứ quán Việt Nam ở Paris, có một cặp đôi, chồng Pháp, vợ Việt, tuổi đã chững, yêu cầu cho được gặp Đại sứ Trịnh Ngọc Thái và cho biết, mình có họ hàng với vợ chồng vị Đại sứ Việt Nam. Người cán bộ thường trực tỏ vẻ ngạc nhiên. Anh ta chưa từng nghe thấy vợ chồng đại sứ kể có họ hàng thân thuộc ở Pháp.
Khi được báo tin, đang bận công việc không thể tiếp khách ngay được, nhưng đại sứ bảo vợ ra tiếp đôi vợ chồng Pháp - Việt. Sau, Đại sứ Trịnh Ngọc Thái nói với mọi người trong Đại sứ quán rằng vợ chồng mình đúng là có họ hàng với vợ chồng ông người Pháp ấy. Em trai vợ ông ta lấy em gái của vợ đại sứ. Nói gọn thì đại sứ và em vợ ông người Pháp là anh em cọc chèo và hiện gia đình người em đang sống ở Hà Nội. Ông người Pháp có họ hàng "ca nông tầm xa" với Đại sứ Trịnh Ngọc Thái tên họ đầy đủ là Jacques Warryn (Giắc-cơ Va-rin), sinh trưởng ở thành phố Bocdeaux, Pháp.
Ông Jacques Warryn cùng vợ và người cháu gái Việt Nam. |
Đang tuổi nghĩa vụ quân sự, đầu năm 1946, Jacques phải sang Việt Nam phục vụ trong quân đội Pháp. Vì có chuyên môn về nghề điện nên Jacques được phân làm chuyên viên sửa chữa máy bay ở các sân bay miền Bắc Việt Nam. Tuy không phải cầm súng nhưng Jacques chứng kiến cảnh những chiếc máy bay, do chính bàn tay của mình góp phần sửa chữa, bảo dưỡng, trút hàng tấn bom xuống làng mạc Việt Nam. Jacques trăn trở và nhận ra cuộc chiến này đối với mình thật vô nghĩa. Jacques tìm mọi cách rời bỏ quân ngũ. Xoay sở mãi, Jacques xin được chuyển sang làm cận vệ kiêm lái xe cho một viên tướng Pháp ba sao ở Hà Nội. Rồi dịp may đã đến trong năm 1948, Nhà máy Đèn Hà Nội rất cần kỹ sư điện, Jacques xin được về làm việc ở đó.
Thời Hà Nội ở trong vùng bị Pháp tạm chiếm, Nhà máy Đèn Hà Nội ở phố Đỗ Hữu Vị (phố Cửa Bắc bây giờ) là nơi duy nhất cung cấp điện cho toàn Hà Nội. Nhà máy thuộc sở hữu của một công ty tư nhân Pháp, nhưng lại do bên quân đội Pháp kiểm soát. Xung quanh nhà máy tường cao kín mít, hàng rào dây thép gai dày đặc. Lính lê dương da đen và lính bảo chính đoàn canh gác cẩn mật. Người ra vào đều phải có thẻ, bị khám xét rất kỹ. Nhà máy có khoảng gần trăm người, giám đốc và bộ phận kỹ thuật đều là người Pháp, còn lại là người Việt được trả lương theo trình độ cấp bậc. Hằng ngày tiếp xúc với các công nhân, anh chuyên gia người Pháp Jacques vui vẻ, chan hòa, tận tình chỉ bảo, hướng dẫn họ làm việc, nên được mọi người quý nể.
Vào một ngày đầu năm 1953, Jacques nhận được tin báo người em trai của mình vào lính, bị điều động sang Việt Nam và vừa bị thương nặng trong một trận đánh, hiện nằm tại nhà thương Đồn Thủy. Jacques tức tốc đến bệnh viện. Nhờ có Jacques đến tiếp máu kịp thời nên người em trai được cứu sống. Ở bệnh viện, thấy cảnh thương binh Pháp và thương binh Việt quằn quại trong cơn đau đớn vì không có máu để tiếp, rất nhiều người đã chết, Jacques về vận động những người bạn Pháp đến bệnh viện cho máu. Đề xuất của Jacques được nhiều người ủng hộ. Chỉ sau một thời gian ngắn, hội hiến máu do Jacques làm chủ tịch đã ra đời. Số lượng hội viên, cả Pháp cả Việt tăng nhanh, lên đến vài trăm.
Nhiều việc thế nhưng Jacques thích thả bộ từ nhà máy dọc theo con phố nhỏ, thưa người, giữa hai hàng cây cơm nguội vươn cao bên những dãy nhà lô xô một tầng chen lẫn hai tầng, mái ngói rêu phong để về nhà. Nhiều người ở con phố nhỏ ấy đã quen mặt chàng thanh niên Pháp chuyên vận đồ trắng, gặp ai cũng tỏ cử chỉ thân thiện. Còn Jacques, anh chợt nhận ra mình đã yêu Hà Nội từ lúc nào. Rồi như là định mệnh, chàng thanh niên Pháp Jacques có được mối tình với cô Minh Nguyệt, nữ sinh Trường Trưng Vương, nhà ở trong con ngõ nhỏ đối diện nhà máy đèn. Những năm giữa thế kỷ trước, con gái Hà Nội trong nhà gia giáo yêu Tây, lấy Tây bị dư luận lên án ghê lắm. Nhưng cả Jacques và nhất là cô Minh Nguyệt đã vượt qua trở ngại để đến với nhau. Rồi mối tình Pháp - Việt ấy nở hoa kết trái, đứa con trai đầu của hai người được sinh tại Nhà thương Phủ Doãn vào tháng 6 năm 1954.
...Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Bộ đội Cụ Hồ tiến vào tiếp quản Thủ đô. Trước đó, các công sở ở Hà Nội được phía Pháp bàn giao cho ban tiếp quản, trong đó có nhà máy đèn. Jacques là một trong ba chuyên gia người Pháp ở lại nhà máy đèn để giúp các kỹ thuật viên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa vận hành Nhà máy Đèn Hà Nội, bảo đảm dòng điện không bị gián đoạn.
Tuy vậy, những ngày đầu cũng có vài sự cố xảy ra giữa ban tiếp quản với các ông Tây. Sự việc được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống tận nhà máy xem xét, tháo gỡ. Từ đấy, công việc ở nhà máy tiến triển thông suốt. Trong lúc giao thời, để việc đi lại của các chuyên gia Pháp được thuận tiện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn cho phép ô tô của Jacques được cắm thêm lá cờ đỏ sao vàng. Thế là chiếc ô tô Peugeau 4 chỗ màu trắng của Jacques, hai bên mũi xe cắm một cờ xanh trắng đỏ, một cờ đỏ sao vàng, bon bon trên đường phố Hà Nội, rất oai.
Sau hơn 2 tháng, nhiệm vụ của Jacques và các chuyên gia Pháp ở nhà máy đèn đã hoàn thành tốt đẹp. Trong buổi tiệc tiễn các chuyên gia Pháp và gia đình ở khách sạn Metropol Hà Nội, biết Jacques lấy cô vợ Việt Nam xinh đẹp, nguyên là nữ sinh Trường Trưng Vương, lại mới sinh con trai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng Jacques và tặng vợ chồng anh hai tấm lụa tơ tằm Hà Đông. Đại tướng còn ân cần dặn dò, khi nào có dịp trở lại Hà Nội thì nhớ tới thăm Đại tướng.
Jacques cùng vợ con chuyển vào Sài Gòn. Jacques làm Giám đốc kỹ thuật Nhà máy Điện Chợ Quán. Hội hiến máu do Jacques sáng lập và làm chủ tịch vẫn tiếp tục hoạt động, tiếp máu cho thương binh và cả nạn nhân chiến tranh.
Đến cuối năm Mậu Thân 1968, Jacques cùng gia đình quay trở về Pháp. Trở lại quê hương, Jacques làm việc cho đến khi nghỉ hưu, nhưng việc làm nhân đạo thì không nghỉ.
Jacques được tặng thưởng nhiều huân chương vì sự nghiệp hiến máu nhân đạo. Đặc biệt, trong những năm tháng ở Sài Gòn, Jacques lập kỷ lục về số lần hiến máu. Trung bình, cứ một tháng Jacques hiến máu một lần, có tháng hai lần, tính trong 12 năm liền thì tổng cộng số lần hiến máu lên tới con số 178.
Cho đến tận vừa rồi, giữa năm 2010, nhà nước Pháp lại tặng Jacques huân chương cao quý vì sự nghiệp cả đời cống hiến nhân đạo, khi Jacques ở tuổi 85, đã lên chức cụ.
* *
*
Trước kia, anh em chúng tôi chỉ biết lơ mơ về ông anh rể người Pháp, vì thông tin mù mờ, trách chi thiên hạ nhiều người vơ đũa cả nắm, lầm tưởng... Đầu tháng 10 năm 1997, vợ chồng người chị ruột tôi ở Pháp về Hà Nội thăm gia đình. Người anh rể của 7 anh em chúng tôi ấy chính là ông người Pháp Jacques Warryn. Xa Hà Nội 43 năm, giờ mới có dịp quay trở lại Hà Nội cùng một xấp tài liệu, ảnh chụp, báo chí... Thì ra người chị của anh em chúng tôi có một ông chồng người Pháp tuyệt vời, đã có nhiều việc làm tốt đẹp cho quê vợ. Vài tuần sau đó, Báo Đại Đoàn kết, Tạp chí Hội Chữ thập đỏ, tờ báo tiếng Pháp Le Courier xuất bản ở Hà Nội có bài viết khen ngợi những việc làm của ông anh rể chúng tôi. Đặc biệt, phóng viên Ngô Cường của Báo Đại Đoàn kết, chiều theo ý của ông anh rể chúng tôi đã nhiệt tình nhận việc đưa vợ chồng ông ấy đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo lời dặn dò của Đại tướng từ 43 năm trước. Đúng lúc ấy, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 những nước nói tiếng Pháp được tổ chức ở Hà Nội, nên Đại tướng bận tiếp các đoàn đại biểu nước ngoài. Ban Thư ký của Đại tướng cho lịch hẹn khoảng hơn tháng sau mới có thể gặp được Đại tướng. Thật tiếc, vì thời gian ấy anh chị tôi đã trở về Pháp.
Mặc dù chỉ ở nhà tôi có hơn một tháng, nhưng ông anh rể tôi đã để lại ấn tượng tốt trong mắt mọi người, từ hàng xóm láng giềng cho đến các bà các chị ở chợ Yên Phụ...
Vừa rồi, vợ tôi đi chợ về bảo: "Bà bán thịt bò hỏi em, cái ông Tây nhà quê vui tính ấy Tết này có về Hà Nội ăn Tết không hả chị". Tôi bật cười, kể cho vợ nghe chuyện mấy tay xe ôm ở đầu dốc cũng đã có lần hỏi tôi như vậy. Chả là hồi ấy, ông anh rể Tây của tôi có dịp gặp ai cũng nói cười vui vẻ, tay bắt mặt mừng và tự giới thiệu bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: "Vợ tôi người Hà Nội, tôi là Giắc nhà quê Việt Nam".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.