Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyên gia nói về việc điều hành giá xăng dầu

Theo chinhphu.vn| 03/09/2012 09:50

Thời gian qua, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới liên tục gia hướng tăng, giá xăng dầu trong nước đã có sự điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Để độc giả hiểu thêm việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã có một số nhận định về vấn đề này.


Giá xăng dầu nội địa phụ thuộc rất lớn vào thị trường xăng dầu thế giới. Bên cạnh đó, việc hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới khiến sự hòa đồng giữa thị trường trong nước và thế giới là điều tất yếu. Trong khi đó, tình hình chính trị trên thế giới thời gian qua có những diễn biến phức tạp, nhất là tại các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nên đã tác động đến nguồn cung dầu, đẩy giá xăng dầu thế giới tăng lên. Bởi vậy, sự biến động theo chiều hướng tăng của giá xăng trong nước trong thời gian gần đây là khá dễ hiểu và hoàn toàn theo quy luật thị trường.

Nghị định số 84/2009/NĐ - CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã xác định nguyên tắc cơ bản là: “Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” nói rõ Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc quy định công thức tính giá cơ sở theo bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày để các DN có căn cứ tính toán và đăng ký với cơ quan Nhà nước. DN kinh doanh xăng dầu được tự quyết định giá bán xăng dầu trong biên độ về giá từ 0 đến 7%... Cần nhấn mạnh rằng Nhà nước trao quyền định giá xăng dầu cho DN nhưng không có nghĩa là Nhà nước hoàn toàn thả nổi, buông lỏng quản lý để mặc cho DN tự định giá.

Chúng tôi được biết, trong quá trình biên độ tăng từ 0 đến 7%, DN kinh doanh xăng dầu đề nghị lên các cơ quan chức năng và trên cơ sở đề nghị trên, các cơ quan chức năng có quyết định tăng hay không, tăng bao nhiêu là quyền thuộc về các cơ quan quản lý. Như vậy, mặc dù để cho DN kinh doanh xăng dầu tự định giá bán nhưng thực tế vẫn luôn phải chịu sự giám sát, kiểm tra rất chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là của Bộ Tài chính.

Sự công khai, minh bạch của giá xăng dầu đã được thể hiện rất rõ qua giá cơ sở cộng với các yếu tố khác cũng rất rõ ràng. Trong những lần tăng xăng dầu gần đây, các DN đã phải hy sinh lợi nhuận của mình, thậm chí chấp nhận lỗ khoảng 300 đồng/lít để bán với mức giá như trên thị trường, đó chính là sự chia sẻ cho người tiêu dùng và xã hội. Cho nên, nói là các DN kinh doanh xăng dầu chỉ nghĩ đến lợi nhuận, vun vén cá nhân là chưa đúng. Hơn thế, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã thực hiện giám sát, kiểm tra rất chặt chẽ các DN xăng dầu. Bộ Tài chính cuối năm 2011 đã thành lập 3 tổ kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại 4 DN đầu mối, sau đó kết quả kiểm tra đã được công bố công khai. Rồi mới đây chỉ trong 2 tháng từ tháng 5 đến tháng 7/2012, Bộ Tài chính lại tiếp tục thanh tra tại 6 DN đầu mối. Bộ Tài chính đang tổng hợp kết quả thanh tra, nếu có phát hiện sai phạm chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định.

Giá xăng dầu bán trên thị trường được hình thành trên giá cơ sở bao gồm thuế, phí và một số khoản khác đã được công khai, minh bạch. Riêng trong thuế có ba loại là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Trong 3 loại thuế này, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng điều chỉnh như thế nào là quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ; còn với thuế nhập khẩu thì Chính phủ và Bộ Tài chính có quyền quyết định.

Thời gian qua Bộ Tài chính đã rất linh hoạt trong việc tăng giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân và DN, điển hình như trong một thời gian dài, Bộ Tài chính đã giảm mức thuế này xuống 0%; đồng thời không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm kiềm chế giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang tiến đến thực hiện theo cơ chế thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, mặt khác nguồn thu trong nước đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên việc hạ thuế nhập khẩu xăng dầu cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Thực tế, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã phải giảm thuế, giãn thuế với một khoản tiền rất lớn để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Mặt khác, chúng ta cũng biết, thuế là tiền đóng góp của dân và thu thuế cũng là để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, do đó việc chưa hạ thuế cũng đã được các cơ quan chức năng tính toán kỹ, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và nhân dân cũng như hài hoà giữa các nguồn thu trong bối cảnh hiện nay. Do đó, người tiêu dùng cũng nên thông cảm và chia sẻ với Nhà nước.

Trong thời gian qua trên thị trường kinh doanh xăng dầu cũng đã có tình trạng chất lượng tại một số cửa hàng, DN kinh doanh chưa được đảm bảo. Muốn khắc phục các tình trạng trên, cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ, quyết liệt của các bộ, ngành chức năng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia nói về việc điều hành giá xăng dầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.