TS Trần Tuấn |
'Thế gọng kìm'
Chưa bao giờ câu chuyện vắc xin dịch vụ lại nóng như hiện nay khi lần đầu tiên một điểm tiêm dịch vụ tại Hà Nội phải hoãn tiêm vì hỗn loạn khiến Bộ Y tế phải họp khẩn để lên kế hoạch.
Đánh giá về sự việc trên, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng - chuyên gia độc lập về phản biện chính sách - cho rằng: Đây là khủng hoảng rất nghiêm trọng, nếu không được kiểm soát sẽ lây lan sang các tỉnh lân cận.
Theo ông Tuấn, người dân đang mất niềm tin với Quinvaxem bởi những câu chuyện lùm xùm liên quan đến loại vắc xin này.
"Từ thực tế, con cái họ khỏe mạnh, sau tiêm lại gặp tai biến tử vong, họ không cho rằng đó là ngẫu nhiên. Giữa cái họ quan sát với giải thích của Bộ Y tế không trùng nhau nên cách giải thích của Bộ Y tế không được người dân chấp nhận. Do đó khi biết có vắc xin an toàn hơn, họ sẽ tìm đến loại vắc xin này", ông Tuấn phân tích.
Theo ông Tuấn, nói 'chết ngẫu nhiên' là khái niệm phi khoa học. Cái chết nào cũng có nguyên nhân với một đứa trẻ bình thường, không có cái nào ngẫu nhiên, chỉ là có tìm ra hay không và cần có nghiên cứu đánh giá độc lập về tỉ lệ này.
Ông Tuấn đánh giá, việc người dân hoang mang với Quinvaxem đã có từ lâu nhưng Bộ Y tế vẫn chưa có phương án giải quyết thấu đáo, trừ việc Bộ Y tế và WHO luôn khuyến cáo Quinvaxem an toàn, tỉ lệ tai biến trong ngưỡng cho phép. Nhưng rõ ràng thông tin này đã nói nhiều năm nhưng không có tác dụng.
"Trong khi chưa giải quyết được nghi ngại về Quinvaxem, lại có thông tin vắc xin dịch vụ thiếu trong thời gian tới thì việc đổ xô nhau để tiếp cận vắc xin như vừa qua là chuyện đương nhiên. Đây là khủng hoảng niềm tin, sự bất an của người dân khi con em mình không có vắc xin bảo vệ", ông Tuấn chỉ rõ.
Chen chúc, hỗn loạn ở điểm tiêm chủng hôm 25.12. |
Đánh giá trách nhiệm phòng chống dịch đang là vấn đề hết sức khẩn trương song vị chuyên gia nhấn mạnh: "Nếu miễn dịch cộng đồng giảm, dịch xảy ra, không thể chỉ quy tội cho người dân, bởi việc sợ tiêm, chậm tiêm, không tiêm Quinvaxem là có lý do của người dân. Lý do này xuất phát từ vấn đề hết sức thực tế và nhân đạo".
2 giải pháp song song
Cho rằng Bộ Y tế "đang quá tự tin vào những thông tin công bố mà chưa để ý đến tâm lý người dân", theo ông Tuấn thay vì cứ truyền thông vắc xin Quinvaxem tốt, an toàn, những người làm chính sách hãy đặt mình vào vị trí là những người có con trong độ tuổi tiêm chủng và đứng trước những thông tin về tiêm chủng như hiện nay để có cách xử lý phù hợp.
Để giải quyết khủng hoảng, ông Tuấn cho rằng cần song song 2 giải pháp:
1. Giải tỏa lo lắng về Quinvaxem.cho người dân. Phải đánh giá cho đúng về tỉ lệ tai biến là bao nhiêu, chết là bao nhiêu. Những việc này phải được tổ chức độc lập thực hiện, đảm bảo tính khoa học, khách quan.
Nếu đúng Quinvaxem tốt thì căn nguyên gây tử vong có phải do bảo quản, quy trình tiêm hay do yếu tố nào khác? Đại đa số người dân vẫn mong muốn có giám sát độc lập trả lời chính xác về chất lượng Quinvaxem. Khi giải đáp được, người dân sẽ tin tưởng tiêm chủng mở rộng.
Nếu Quinvaxem không an toàn thì phải đề xuất phương án thay thế, kèm theo đó là giải pháp tài chính. Khi đó các cấp cao hơn phải vào cuộc.
2. Nên lập Uỷ ban khẩn cấp chuyên về tiêm chủng, xem xét giải quyết vấn đề này trong tình trạng khẩn cấp, trong đó có sự tham gia của nhiều bên, chuyên gia và Bộ Y tế chỉ là một thành viên.
Ủy ban này có quyền quyết định mọi vấn đề về vắc xin. Đứng đầu Ủy ban trực tiếp có thể là 1 Phó thủ tướng vì đây không đơn thuần là khủng hoảng vắc xin nữa mà là khủng hoảng lòng tin của người dân với Bộ Y tế.
"Bão lũ mình đã có hẳn một ủy ban còn đây là vấn đề cấp bách với trẻ em vì tử vong có rồi, khủng hoảng, đổ xô, chen lấn có rồi và nguy cơ trẻ tiếp tục chậm trễ tiêm chủng, nguy cơ lây bệnh có rồi trong khi vắc xin lại thiếu và người dân thì mất niềm tin như vậy", ông Tuấn lo lắng.
Theo ông Tuấn, ủy ban này có đủ thẩm quyền để đề nghị các nơi cung cấp thông tin, minh bạch thông tin về các loại vắc xin có tỉ lệ tai biến thấp hơn (vắc xin dịch vụ) về giá cả, đặt hàng, khả năng đáp ứng và so sánh độ an toàn cụ thể. Phải minh bạch hóa toàn bộ kế hoạch tiêm chủng trong thời gian tới: Vắc xin nào, nguồn lấy ở đâu, vận chuyển thế nào dưới sự giám sát của tổ chức độc lập để từ đó đưa ra chính sách tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.