Liều mình” đến đảo Phuket (Thái Lan), nơi bị ngọn sóng thần kinh hoàng tàn phá hồi năm ngoái, chúng tôi tìm bằng được một khách sạn trên... đồi cao, bụng bảo dạ “vừa tránh được họa sóng thần (nếu có), lại vừa được ngắm toàn cảnh một vùng du lịch”. Thật ngạc nhiên là ở nơi đây, thậm chí “sóng thần” còn thành một từ để... câu khách.
Nhiều chiếc xe cho thuê dán chữ “tsunami” (sóng thần) trên kính. Trong các gallery bày bán nhan nhản những áo, mũ in dòng chữ này. Người ta bán cả những tập bưu ảnh sóng thần hoặc đĩa CD quay cảnh sóng thần với giá 1 USD/chiếc. Và điều mà chúng tôi rút ra được từ những câu chuyện về sóng thần ở Phuket là phải học cách chung sống với thiên nhiên...
Patong là một trong số những bãi biển tuyệt đẹp nằm ở phía Tây hòn đảo du lịch Phukét. Vành cát mịn màng, trắng phau, như một vành trăng khổng lồ chạy dài tít tắp ôm lấy làn nước xanh màu ngọc bích của biển Andaman. Trên bãi biển, chúng tôi gặp một thanh niên trẻ tuổi có màu da đen giòn đặc trưng của người Mã Lai. Anh chàng cho biết, tên anh ta bằng tiếng Thái vừa dài vừa khó phát âm, nên phải dùng cái tên nghe rất “Tây” là Jim để cho khách du lịch dễ gọi. Theo Jim, từ khi tổ tiên anh từ miền Nam di cư đến đây, chưa bao giờ có ai nhắc đến một sự kiện nào khủng khiếp như trận sóng thần xảy ra ngày 26-12 năm ngoái.
Jim kể, hôm đó là ngày chủ nhật, lại đang trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh nên bãi biển đông nghẹt người. Jim và những người thân trong gia đình đang “hốt bạc” trên bãi biển bằng nghề cho thuê dù lượn “loại dù bay lên nhờ lực kéo của ca-nô cao tốc). Sau vài cú “dẫn dù” cho khách du lịch bay lượn trên không, Jim ngồi nghỉ dưới hàng cây phi lao. “Lúc đó khoảng gần 10 giờ sáng, trời đẹp lắm: nắng vàng, biển xanh, cát trắng. Tôi ngồi đúng chỗ này và nói chuyện với một người đàn ông châu Âu, hệt như đang nói chuyện với anh thế này. Tôi không nhớ người đàn ông ấy quốc tịch gì, nhưng anh ta đi cùng vợ và 2 đứa con. Ông ấy bế đứa bé hơn trên tay.
Bỗng nhiên, nước biển rút ra xa, cách bờ đến 1 km. Nước rút rất nhanh, đến mức cá, tôm nằm giãy đành đạch trên cát. Mọi người reo lên thích thú, đổ xô ra xem sự lạ. Có người đem bịch nilon chạy đi lượm tôm cá. Người đàn ông đang nói chuyện với tôi bảo đó là điểm báo sẽ có sóng thần, cần phải chạy ngay. Tôi cười, bảo ông ta rằng Thái Lan an toàn lắm, làm gì có chuyện sóng thần. Nhưng ông ta bế xốc đứa bé lên, kéo tay đứa lớn và bà vợ, rồi chạy rất nhanh vào thị trấn. Tôi nghĩ bụng, ông này điên rồi.
Đúng lúc ấy, tôi nghe những tiếng thét thất thanh. Trên đường chân trời, xuất hiện một con sóng khổng lồ đang ầm ầm lao với tốc độ cực nhanh. Bãi biển trở nên cực kỳ hỗn loạn. Người ta la hét, xô đẩy, mạnh ai nấy chạy về hướng thị trấn. Tôi sững sờ mất mấy giây, rồi cũng chạy thục mạng. Ngay sau lưng tôi, con sóng dữ tợn chồm lên bờ, quét băng tất cả xe máy, ô tô, ghế, dù, ca-nô... và cả những con người mấy phút trước còn tung tăng chạy ra biển nhặt tôm cá. Tôi chạy qua 3 dãy phố mới dám chắc mình đã thoát nạn, bởi những dãy nhà phía bờ biển đã chặn con sóng lại.
Đến tận chiều, tôi mới dám trở ra biển. Một cảnh tượng thật kinh khủng bày ra trước mắt. Tất cả kính cửa, quầy hàng, bàn ghế của các khách sạn, nhà hàng dọc theo bờ biển đều đã bị đập vỡ nát, dồn thành từng đống hỗn độn, lẫn với xác xe ô tô, xác tàu, thuyền và cả những xác người. Nhiều cây dừa bị bật gốc, nằm ngổn ngang trên mặt đường cùng với những tảng đá rất lớn không biết từ đâu ra. Trên những cây phi lao kia cũng có tử thi.
Tất cả đồ nghề kiếm sống của cả gia đình tôi, gồm 1 chiếc ca-nô cao tốc, 2 chiếc dù, 4 chiếc nịt (dùng để treo người dưới dù bay) cùng ghế tắm nắng, xe gắn máy, ô tô v.v.. đều đã biến mất. Tính ra, cả nhà tôi bị thiệt hại khoảng 500.000 baht (tương đương gần 2 tỷ đồng tiền Việt). Nhưng chúng tôi vẫn còn may mắn vì không bị thiệt hại về người. Số người chết và mất tích riêng ở bãi Patong là khoảng gần 1.000. Rất nhiều người đã bị mất người thân và mất tất cả nhà cửa, thành vô gia cư chỉ trong nháy mắt. Chính phủ phải bố trí cho khoảng 3.400 người như thế ở tạm trong những chiếc container tại một trại nằm trên đường cao tốc ra sân bay Phuket. Đến nay, khoảng 1.100 người vẫn còn phải ở đó...”.
Jim kể đến đây thì người chú ruột của anh hết ca “dẫn dù” cũng sà vào góp chuyện. Theo ông, số người thiệt mạng có thể sẽ giảm đi rất nhiều nếu như mọi người có kiến thức hơn, được tuyên truyền kỹ lưỡng hơn về những ẩn họa đang rình rập trong thiên nhiên. Jim bùi ngùi: “Tôi đã cười nhạo khi người đàn ông châu Âu kia bế con chạy. Hóa ra không phải ông ấy điên, mà chính chúng tôi đã điên, dám dỡn mặt tử thần”. Jim kể tiếp, sau đó báo chí đã đưa tin có một nhóm người Hà Lan đã cứu được hàng trăm người vì vào buổi sáng định mệnh đó họ đã “may mắn” lạc nhau đến các bãi tắm khác nhau. Khi sóng thần ập vào bãi Kata, cách Patong khoảng 10 km về phía Nam, một người lập tức gọi điện thoại cho bạn đang ở bãi Patong, đến lượt người này lại gọi ngay cho 1 nhóm khác đang ở bãi Kamala ở phía Bắc... Thời gian dù ngắn ngủi, nhưng họ đã kịp kéo theo nhiều người khác chạy thoát.
Ông chú của Jim nói: “Bây giờ thì chúng tôi thuộc lòng từ “tsunami” (sóng thần) rồi. Chỉ cần thấy biển dở chứng là chúng tôi sẽ ngay lập tức kêu gọi mọi người chạy cho nhanh...”. Ông cũng cho biết, tuy thoát chết nhưng gia đình đã thành trắng tay. Khoản hỗ trợ của chính quyền (25.000 baht/người) không thấm tháp gì, nên họ đã phải đặt toàn bộ nhà cửa vào ngân hàng và vay mượn thêm họ hàng để mua sắm lại trang thiết bị cho nghề kéo dù bay. Jim bổ sung: “Chúng tôi đã gắn bó với biển, sống nhờ biển nên không thể rời xa nó. Gia đình chúng tôi đã thề sẽ truyền cho đời đời con cháu những kinh nghiệm chúng tôi đã trải qua”. Chú của Jim đùa, nếu lại xảy ra sóng thần thì “tôi sẽ... không chạy nữa, vì nếu không chết bởi sóng thì cũng sẽ chết vì... vỡ nợ”.
Mặt trời đang dần xuống trên bãi biển Patong. Jim và ông chú lúi húi dọn dẹp đồ đạc để nghỉ. Đã hơn nửa năm kể từ khi xảy ra thảm họa, Patong vẫn đìu hiu lắm, nhưng Jim tin rằng du khách sẽ quay trở lại. Và anh cười rất tươi trong tấm hình kỷ niệm chụp cùng vị hôn thê của mình.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.