(HNM) - Dồn dập các cuộc tập trận chung quy mô lớn được tổ chức bởi nhiều cường quốc hàng hải, đẩy mạnh mua sắm khí tài hải quân, liên tục thực hiện các chuyến thăm ngoại giao con thoi… là những động thái khiến Châu Á - Thái Bình Dương trở thành địa chỉ sôi động hơn bao giờ hết trong thời gian qua.
Siêu tàu sân bay hạt nhân USS George Washington sẽ tới Châu Á để tham gia hai cuộc tập trận liên tiếp vào cuối tháng này. |
Trong sự chuyển động đầy toan tính nhằm tăng cường vị thế và bảo vệ lợi ích biển của các quốc gia trong khu vực, biển Đông trở thành "điểm đến" quan trọng. Nhiều cường quốc hướng tới biển Đông ngoài sự khẳng định ảnh hưởng còn có những mưu cầu lợi ích địa - kinh tế, chính trị với vùng biển này.
Không quá khó để giải thích rằng vì sao thời gian qua biển Đông luôn là chủ đề "nóng" thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khu vực và quốc tế. Với diện tích khoảng 3,5 triệu km2, biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng với một loạt quốc gia như: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia mà còn cả với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ. Là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu dân. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang khát năng lượng, biển Đông lại càng nhận được sự chú ý nhiều hơn bởi đây là một trong những "giếng dầu" của thế giới, có trữ lượng khoảng 7 tỷ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, biển Đông còn nằm trên tuyến đường giao thông hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Đặc biệt, 5 trong số 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến biển Đông, cứ mỗi ngày có khoảng 150-200 tàu các loại qua lại biển Đông. Trong đó, khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Vì thế, biển Đông hết sức quan trọng không chỉ với các nước trong khu vực mà còn với các đầu tàu kinh tế thế giới như: Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Điều đó giải thích vì sao "chiếc bánh" biển Đông luôn được các nước có lợi ích liên quan hướng đến.
Không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua biển Đông đã gắn với chiến lược an ninh và phát triển của nhiều nước trong khu vực, nhất là với Trung Quốc và sự hiện diện ngày một chủ động hơn của Mỹ trong khu vực đã khẳng định điều đó. Vì thế, vấn đề chủ quyền trên biển Đông theo luật pháp quốc tế ngày càng phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ tái khẳng định lợi ích ở Châu Á - Thái Bình Dương khi thúc đẩy quan hệ an ninh có lựa chọn với các nước ASEAN. Với Mỹ, biển Đông là một khâu trọng yếu trong tuyến vận chuyển đường biển quốc tế khi 3 trong 10 tuyến đường vận chuyển biển của Mỹ đi qua khu vực Tây Thái Bình Dương và vùng eo biển Mallacca. Vì vậy, dù cách biển Đông gần nửa vòng Trái đất nhưng kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II, biển Đông luôn được Mỹ nhìn nhận là con đường chiến lược không chỉ để đi từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương đến Trung Đông mà còn là "con mắt" cảnh báo an ninh từ xa với phía Tây của nước Mỹ. Ngoài ra, giá trị kinh tế của biển Đông với Mỹ còn liên quan tới sự phát triển năng động ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và khu vực ngày càng đáng chú ý hơn trong chính sách phát triển kinh tế của Mỹ.
Tuyên bố mới đây của Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ về hải quân nước này điều động các tàu chiến và máy bay hiện đại nhất tới khu vực nhằm thực hiện chủ trương của Lầu Năm Góc đến năm 2020 sẽ tập trung 60% tàu chiến các loại tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là một ví dụ minh chứng cho tham vọng khẳng định ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Tổng thống B.Obama cũng không ngần ngại khi bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để các nước có chung lợi ích tôn trọng luật pháp quốc tế. Song, với Trung Quốc, động thái của Mỹ là sự phô diễn sức mạnh, thậm chí có thể đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Vì thế, thời gian qua Trung Quốc đã có một loạt động thái trên biển Đông bất chấp những cảnh báo căng thẳng trong quan hệ vì tranh chấp chủ quyền biển với các nước liên quan.
Châu Á - Thái Bình Dương một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận khi cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên RIMPAC 2012, với sự tham gia của 22 quốc gia trên thế giới đã sẵn sàng cho ngày khai cuộc (29-6) tại Hawaii, Mỹ. Trong bối cảnh khu vực đang chuyển động mạnh mẽ cùng những tranh cãi chủ quyền trên biển Đông chưa thể đi đến hồi kết, Trung Quốc cũng vừa cho biết sẽ mở cuộc tập trận hải quân thường niên với quy mô mới ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.