Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí: "Nóng" vấn đề thu phí từ độc giả

Theo Văn Đức (TTXVN)| 22/07/2020 15:09

Thu phí đối với người đọc báo trở thành vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu của các cơ quan báo chí quan tâm tại diễn đàn "Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Quảng Ninh ngày 22-7.

Quang cảnh diễn đàn. 

Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Tin học hóa, Vụ Công nghệ thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và trên 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông...

Việc tổ chức diễn đàn giúp các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, nhà mạng, doanh nghiệp có cơ hội trao đổi về những thách thức của báo chí Việt Nam; tìm kiếm các mô hình mới góp phần tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ ngày một phát triển.

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Lê Quốc Minh thông tin: Để thay đổi thói quen đọc báo miễn phí của bạn đọc, từ năm 2012, báo điện tử Việt Nam Plus của TTXVN đã triển khai việc thu phí từ bạn đọc và trở thành cơ quan báo chí đầu tiên thực hiện thu phí người đọc báo ở Việt Nam. Mô hình này đã đem lại những thành công bước đầu. Ngoài việc nâng cao chất lượng nội dung bài báo có thu phí, nút thắt trong khâu thanh toán dịch vụ đọc báo điện tử được tháo gỡ thông qua cước điện thoại, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc TTXVN, việc phân chia lợi ích giữa cơ quan báo chí với nhà mạng hiện nay chưa hợp lý, phần thiệt nghiêng về phía cơ quan báo chí.

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh tham luận tại diễn đàn. 

Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Xuân Trung nêu bất cập: Trong 6 tháng đầu năm 2020, khối lượng công việc, sức lao động của nhà báo tăng nhưng nguồn thu lại ngày một giảm. Trong khi đó, thói quen đọc báo miễn phí vốn có từ lâu nên để thay đổi thói quen này không hề dễ. Do vậy, để thu phí từ bạn đọc, các cơ quan báo chí cần phải thay đổi nội dung với thông tin chất lượng cao; đầu tư công nghệ, có hình thức thanh toán thuận tiện cho người đọc; bạn đọc là khách hàng được chăm sóc tốt. Ông Lê Xuân Trung nhấn mạnh, đối với cơ quan báo chí, có bạn đọc là có tất cả. Bạn đọc là nguồn thu bền vững đối với các cơ quan báo chí.

Tại diễn đàn, nhiều diễn giả có các tham luận chuyên sâu bàn về những thách thức, cơ hội, xu hướng và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực báo chí, truyền thông cũng như các giải pháp, mô hình mới góp phần tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí.

Diễn đàn chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí là hoạt động tiếp theo khởi động cho những sáng kiến mới trong khuôn khổ “Dự án phát triển Báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”.

Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.

Đây sẽ là dự án được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực có thể đóng góp cho sự phát triển của báo chí, thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần chuyển tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội. Đồng hành cùng dự án trong suốt 5 năm là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với tổng ngân sách dự kiến để triển khai các hoạt động là 25 tỷ đồng.

Đối tượng tham gia hưởng lợi từ chương trình này sẽ là tất cả các loại hình báo chí đang hoạt động ở Việt Nam như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Các chương trình hoạt động sẽ bao gồm việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam; đào tạo kỹ năng quản lý báo chí, các hội thảo tư vấn; các hoạt động hỗ trợ khác. Công tác đảm bảo chuyên môn của dự án sẽ do Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông phối hợp thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại diễn đàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, hiện nay các cơ quan báo chí đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Sự sụt giảm nguồn thu từ quảng cáo, bán báo, từ ngân sách Nhà nước; thói quen đọc, xem, nghe của bạn đọc thay đổi; phương thức làm báo truyền thống không còn thu hút độc giả như trước đây cùng với sự áp đảo của truyền thông xã hội làm cho các cơ quan báo chí mất dần độc giả; các giải pháp, hạ tầng phân phối nội dung và quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới đang ngày càng ưu việt và lấn át báo chí truyền thống…

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, báo chí phải có công nghệ, có giải pháp, có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông và quan trọng nhất là có sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí nhằm tạo ra sức mạnh, một mặt giúp cho các cơ quan báo chí tồn tại và phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí khu vực và thế giới, mặt khác quan trọng hơn là tạo thành một sức mạnh chung chống lại sự lấn át của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí: "Nóng" vấn đề thu phí từ độc giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.