(HNM) - Được xác định là một ngành quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song ngành logistics (hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, vận chuyển, lưu kho bãi, thủ tục hải quan, hàng hóa…) nước ta còn phát triển nhỏ lẻ, phân tán. Để nâng tính cạnh tranh, tạo bước phát triển đột phá cho ngành logistics, chuyển đổi số được xem là đòn bẩy quan trọng.
Thị trường tiềm năng nhưng... phân tán
Theo Bộ Công Thương, những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Các doanh nghiệp logistics đã đóng góp tích cực cho hoạt động thương mại nội địa và xuất, nhập khẩu, góp phần đưa Việt Nam lọt tốp 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã thích nghi và cơ bản bảo đảm được chuỗi cung ứng. Báo cáo Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021, do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố gần đây cho thấy, năm 2021, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong tốp 10 quốc gia đứng đầu.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngành logistics vẫn còn nhiều hạn chế và chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có. Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện 90% doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần; hầu hết có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, thiếu liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng. Đánh giá thị trường logistics Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinafco Phạm Thị Lan Hương cũng chỉ rõ, đây là thị trường rất phân tán, loại hình dịch vụ doanh nghiệp cung cấp chủ yếu là giao nhận, vận tải, kho hàng, chuyển phát nhanh, khai báo hải quan… Chỉ có 16% doanh nghiệp tích hợp dịch vụ logistics bên thứ ba (logistics theo hợp đồng) hoặc dịch vụ logistics bên thứ tư (logistics chuỗi phân phối). Song loại hình dịch vụ logistics có giá trị gia tăng cao này chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn Trương Tấn Lộc, doanh nghiệp logistics gặp nhiều khó khăn như giá nhiên liệu tăng đột biến trong năm 2022 (tăng khoảng 33% so với giá trung bình 2021) ảnh hưởng đến chi phí đầu vào; các thủ tục hành chính còn chưa thuận lợi; hệ thống giao thông đường bộ phát triển thiếu đồng bộ… Thực tế trên khiến chi phí logistics ở Việt Nam cao hơn so với các nước trên thế giới, do đó doanh nghiệp logistics trong nước bị hạn chế năng lực cạnh tranh.
Chuyển đổi số để tăng sức cạnh tranh
Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung, giao lưu, Việt Nam được đánh giá là có lợi thế để phát triển ngành dịch vụ logistics. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Chính phủ đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Trong nhiều giải pháp để tận dụng lợi thế, phát triển logistics thành ngành kinh tế lớn, như đẩy mạnh liên kết tạo mạng lưới logistics lớn mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng…, chuyển đổi số được xem là đòn bẩy tạo sức bật. Trưởng bộ phận thương mại Công ty SLP Việt Nam Lê Thị Ngọc Diệp chỉ rõ, ứng dụng công nghệ vào ngành logistics là giải pháp để nâng cao hiệu quả, tối ưu năng suất hoạt động và tiết kiệm chi phí vận hành cho doanh nghiệp logistics. Qua đó, các đơn vị phát triển và vận hành logistics kết nối với nhau chặt chẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Kargo 365 cho rằng, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều đột phá trong khai thác nguồn lực, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh…
Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện nay mới có khoảng 40% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ. Để chuyển đổi số, doanh nghiệp cần chi phí từ 200 triệu tới hàng chục tỷ đồng. Đây rõ ràng là khó khăn lớn với các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cho rằng, vẫn có thể áp dụng các phần mềm công nghệ với chi phí không quá lớn, giúp doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này có thể học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp logistics lớn để từng bước thay đổi, áp dụng công nghệ số cho hoạt động của mình. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, chiến lược về chuyển đổi số, có bước đi vững chắc, theo lộ trình phù hợp với khả năng của doanh nghiệp.
“Ngoài ra, Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho việc chuyển đổi số, có chính sách hỗ trợ cụ thể, dễ tiếp cận cho các doanh nghiệp logistics, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó tập trung cải cách các thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp logistics về nguồn vốn, nhất là những doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số…”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa nêu kiến nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.