Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển đổi mã vùng số cố định: Ít tác động đến người dân

Việt Nga| 25/11/2016 07:30

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã thông tin, từ ngày 11-2-2017, việc thay đổi mã vùng điện thoại trên toàn quốc sẽ được tiến hành theo 3 giai đoạn, lần lượt tại 3 nhóm tỉnh, thành phố trong cả nước. Các tỉnh, thành phố sẽ đổi theo cách thêm số 2 vào trước số mã vùng, số điện thoại cố định sẽ là 11 số (thay vì 10 số như hiện nay), giúp cho việc sử dụng kho số hiệu quả hơn.


Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), việc chuyển đổi sẽ ít tác động đến người dân, nhưng ảnh hưởng nhất định đến các cơ quan và doanh nghiệp.

Ít mã vùng - điều kiện để giảm cước nội hạt

Năm 2008, cả nước đã đổi số cố định bằng cách thêm số 3 (vào sau số mã vùng) trước dãy số cần liên lạc. Đến nay sau hơn 8 năm, số điện thoại cố định lại tiếp tục được điều chỉnh bằng cách chuyển đổi số mã vùng với việc thêm số 2 vào trước số mã hiện có. Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho biết, thông thường các nước trên thế giới đều điều chỉnh kho số viễn thông trong vòng 10-15 năm để đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là bối cảnh công nghệ và dịch vụ phát triển nhanh, đột phá như hiện nay.

Như vậy, có thể hiểu, nhu cầu về kho số dành cho di động là rất lớn, không chỉ giúp khách hàng sử dụng trong các thiết bị điện thoại cầm tay; mà còn gắn vào các thiết bị để phục vụ sinh hoạt như công tơ điện, thiết bị giám sát hành trình ô tô, xe máy, thiết bị chăm sóc sức khỏe, thiết bị cảnh báo về môi trường… Trong khi đó, theo xu hướng của công nghệ, điện thoại cố định ngày càng suy giảm. Do vậy, nhu cầu quy hoạch lại kho số cố định để tăng hiệu quả sử dụng là tất yếu.

Một vấn đề nữa không thể không nhắc đến là do việc chia tách, hợp nhất các tỉnh, thành phố trước đây, nên độ dài mã vùng của nước ta không thống nhất, có tỉnh thì có mã vùng dài 3 chữ số, có tỉnh mã vùng dài 2 chữ số, hoặc 1 chữ số. Chẳng hạn, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sau khi tách từ Vĩnh Phú có mã vùng lần lượt là 211 và 210; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có mã vùng là 4 và 8… là không phù hợp với thông lệ quốc tế. Do vậy, theo ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT) thì việc chuyển đổi mã vùng khi cùng thêm số 2, trong đó các tỉnh, thành phố liền kề được gom chung vào nhóm mã vùng sẽ giảm được số mã vùng trên toàn quốc (hiện là 63 mã vùng) xuống còn 10 mã vùng.

Ví dụ, có 7 địa phương: Quảng Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn thuộc nhóm các tỉnh phía Đông Bắc sẽ có nhóm mã vùng là 20x. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho người dân các tỉnh, thành phố trong cùng mã vùng được tính cước thấp khi gọi nội hạt.

Các cơ quan, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng

Bộ TT-TT đã có sự chuẩn bị và tính toán kỹ cho việc chuyển đổi mã vùng lần này để giảm tác động đến khách hàng. Thứ nhất, việc chuyển đổi mã vùng không ảnh hưởng đến số thuê bao, số thuê bao vẫn giữ nguyên như cũ, ví dụ số cố định tại Hà Nội là 23456789, sau khi chuyển đổi từ mã vùng cũ là 4 sang mã vùng mới là 24 thì số cố định vẫn là 23456789. Nghĩa là, nếu khách hàng gọi nội hạt (gọi cố định trong cùng tỉnh, thành phố) thì cách bấm số không thay đổi. Tuy nhiên, nếu gọi từ số di động, từ nước ngoài đến cố định phải bấm mã vùng trước, khi đó số cố định sẽ là 024.23456789.

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Viễn thông lý giải, theo báo cáo của các doanh nghiệp, tổng lưu lượng các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm 1,6% lưu lượng viễn thông. Như vậy, tác động tới các cuộc gọi không nhiều, hơn nữa trong quá trình chuyển đổi, có các phương án kỹ thuật như vẫn áp dụng quay số song song (theo cũ và theo mã mới trong 1 tháng), sau đó có âm báo hướng dẫn khách hàng bấm số (trong 1 tháng) để khách hàng quen với cách bấm số mới.

Như vậy, việc chuyển đổi mã vùng này người dân ít chịu tác động hơn, mức độ ảnh hưởng chủ yếu đến các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Đó là việc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có cá nhân sẽ phải làm lại các sản phẩm có gắn với mã vùng (card visit, bao bì, biển hiệu, biển quảng cáo…). Do vậy, để bảo đảm cho quá trình chuyển đổi thành công, Bộ lên kế hoạch tuyên truyền theo các bước: Thông báo trên các phương tiện truyền thông trước thời điểm chuyển đổi 60 ngày (theo quy chuẩn của Liên minh Viễn thông quốc tế); tiến hành các biện pháp kỹ thuật song song để hỗ trợ người dùng; duy trì âm thông báo hỗ trợ…

Trong việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định lần này, Tập đoàn VNPT là đơn vị chủ yếu chịu ảnh hưởng vì hầu hết thuê bao cố định trên toàn quốc là thuộc quản lý của VNPT (khoảng 5 triệu thuê bao). Đại diện VNPT cho biết, Tập đoàn đã xác định phạm vi, nội dung công việc phải thực hiện cho công tác đổi mã vùng mạng cố định và lên phương án thực hiện. Do mạng cố định đầu tư đã lâu, nên VNPT đã triển khai nhiều biện pháp và chuẩn bị các phương án kỹ thuật nhằm tối ưu hóa thiết bị để đáp ứng yêu cầu về thực hiện đổi mã vùng của Bộ TT-TT. Để giảm ảnh hưởng cho khách hàng trong quá trình diễn ra đổi số thuê bao, VNPT sẽ thông báo rộng rãi tới khách hàng qua các phương tiện thông tin đại chúng trước thời điểm triển khai đổi mã vùng để bảo đảm người dân hiểu, biết cách liên lạc. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi mã vùng số cố định: Ít tác động đến người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.