Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyến đi lịch sử, tầm nhìn chiến lược

Hồ Quang Lợi| 13/07/2015 06:00

(HNM) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc rất tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Nhìn trên mọi góc độ, đây thực sự là một chuyến đi lịch sử! Thành công đối ngoại nổi bật này đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, mở ra cục diện mới, góp phần tăng cường vị thế của đất nước.

1. Mấy ngày qua, nhân dân cả nước và dư luận rộng rãi trên thế giới theo dõi với mối quan tâm rất sâu sắc diễn biến chuyến đi đặc biệt, chưa có tiền lệ này. Đây là thêm một minh chứng rất sống động cho chủ trương nhất quán đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Sự kiện ngoại giao đặc sắc này càng cho thấy rõ hai quốc gia cựu thù, có chế độ chính trị - xã hội khác nhau, có trình độ phát triển khác nhau, nếu có tầm nhìn chiến lược và chính sách đúng đắn, hành động thiện chí thì có thể trở thành bạn và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện vì tương lai tươi sáng. Đó là một xu hướng tích cực và lành mạnh, góp phần xóa bỏ những xung khắc, đối đầu trong đời sống quốc tế ngày nay.

Quả thực, cách đây 20 năm, khó có thể hình dung cảnh tượng tại phòng Bầu dục trong Nhà Trắng ở Washington, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đàm đạo cởi mở, thân mật và thực chất như vậy với Tổng thống Mỹ. Thế giới đổi thay cần tư duy mới. Tư duy mới lại tiếp tục tác động làm đổi thay thế giới theo hướng tốt đẹp. Đúng một năm trước, tháng 7-2014, nước Mỹ đã đón một đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn đầu. Là thành viên trong chuyến đi đó, tôi đã cảm nhận được nét mới mẻ của một kênh đối thoại, kênh quan hệ rất quan trọng đã mở ra trong quan hệ hai nước: Đó là kênh đối thoại và quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng tham chính ở Mỹ (Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa). Và bây giờ, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, xác lập tháng 7-2013 trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã được mở rộng và sâu sắc hơn trong chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nước Mỹ không có một hệ thống thể chế và vị trí lãnh đạo tương ứng như Việt Nam, nên việc lần đầu tiên Tổng thống Barack Obama đón tiếp với nghi lễ chính thức rất trang trọng dành cho người đứng đầu một đảng chính trị, mà đó lại là Đảng Cộng sản Việt Nam thì quả thực đây là một sự kiện rất đặc biệt, vượt quá suy nghĩ thông thường của nhiều người. Người ta có thể nhìn nhận, lý giải sự kiện ngoại giao khác biệt này từ nhiều góc độ khác nhau. Nhưng có một điều mà ai cũng cảm nhận được, đó là vì hiếm có một quốc gia nào trên thế giới lại vạch vào lịch sử nước Mỹ những dấu ấn sâu đậm và khác thường như Việt Nam.

2. Nhìn lại toàn bộ tiến trình quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, có thể thấy những điều lý thú ngay từ thuở ban đầu. Những hạt giống lúa tốt của Việt Nam mà Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ Thomas Jefferson tìm cách nhập về trồng trong trang trại ở bang Virginia có thể được coi là những hạt giống đầu tiên của mối bang giao hai nước. Hơn một thế kỷ trước đây, khi đất nước còn chìm đắm trong đêm trường nô lệ, chàng thanh niên yêu nước, giàu chí khí Nguyễn Tất Thành, trong khi tìm đường cứu nước, đã đến nơi khởi đầu của cuộc cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ, đó là thành phố Boston. Bản thân tôi và các nhà báo Việt Nam đã xúc động đứng lặng trước chiếc bàn đá mẻ một miếng, nơi hơn 100 năm trước Bác Hồ đã làm việc trong xưởng làm bánh dưới tầng hầm khách sạn ở thành phố này. Ở buổi bình minh của nước Việt Nam mới cách đây 70 năm, một trong những quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn thiết lập quan hệ hữu nghị chính là Hoa Kỳ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới bằng trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ do chính Tổng thống Thomas Jefferson soạn thảo: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng là đồng minh trên mặt trận chống phát xít. Cách đây 20 năm, tôi đã có may mắn được gặp cụ Mac Shin và những người bạn Mỹ trong đơn vị Tình báo chiến lược (OSS) và nhóm "Con Nai". Hôm đó, một buổi sáng mùa thu mát lành, nắng đẹp, trời trong vắt, trong ngôi biệt thự dưới những tán cây xanh trên đường Quán Thánh, các cựu binh trong nhóm OSS và các cựu binh Việt Minh từng cộng tác với nhau trong những khu rừng già Việt Bắc đã có một cuộc tái ngộ lịch sử sau đúng nửa thế kỷ vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc khánh nước ta và họ vinh dự được gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các cựu binh Việt Nam và Hoa Kỳ thuở ấy hầu hết tuổi chỉ ngoài đôi mươi, sau nửa thế kỷ, nhiều người tóc đã bạc trắng, xúc động ôm lấy nhau. Mỗi người nhắc lại kỷ niệm xưa theo một cách. Những câu chuyện của họ ghép nối lại thành một bức tranh sống động về những ngày đầu hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam rất đẹp đẽ.

Khi quân đội Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, các quân nhân OSS, trong đó có Mac Shin kết thúc nhiệm vụ, được về Hà Nội. Chính những người bạn Mỹ này là những người nước ngoài duy nhất có mặt bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Cách mạng Tháng Tám và ngày Độc lập của Việt Nam. Sau đó, được lệnh nhanh chóng rời khỏi Việt Nam, những người đồng minh ngắn ngủi từ nước Mỹ đã mang theo mình bức thư của Hồ Chí Minh: "Bạn hãy tin rằng chúng tôi đã chiến đấu và sẽ chiến đấu cho đến khi chúng tôi đạt được cái mà chúng tôi mong muốn: Độc lập dân tộc. Tôi lấy làm tiếc vì những người bạn Mỹ đã rời chúng tôi quá nhanh và do đó mối quan hệ giữa chúng ta sẽ trở nên khó khăn... Ngày mai tươi sáng chúng ta sẽ gặp nhau, chúng ta trông chờ ngày đó. Hãy tin ở tôi. Tôi sẽ mãi mãi như xưa".

Bảy thập kỷ trước, với một tầm nhìn sâu rộng, với thiện chí và lòng kiên trì, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng gửi 14 lá thư cho các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, trong đó có Tổng thống Harry Truman vào năm 1946, đề nghị thiết lập "quan hệ hợp tác toàn diện" với Hoa Kỳ. Nhưng, thật đáng tiếc, những cơ hội lịch sử đó đã bị phía Hoa Kỳ bỏ lỡ và quan hệ hai nước đã bị cuốn theo một hướng khác vô cùng thảm khốc. Nhìn những người Mỹ hồn hậu, đã đến giúp đỡ chúng ta từ rất sớm, bỗng dưng tôi cảm thấy một sự phi lý cùng cực khi chợt nghĩ rằng nước Mỹ của những người tốt và hào hiệp như Mac Shin, Charles Fenn… lại đã gây ra cho nhân dân Việt Nam biết bao tai họa, đau thương bằng một trong những cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử. Một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề với 3 triệu người chết, 4 triệu người bị thương, biết bao gia đình li tán, hàng nghìn chiến sĩ Quân đội Việt Nam chưa tìm thấy hài cốt…

Vào mùa hè năm 2005, tôi có dịp được gặp lại cụ Mac Shin trong chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải. Trò chuyện với chúng tôi, cụ xúc động kể, sau này khi trở lại thăm Việt Nam, cụ đã tìm đường về lại Tân Trào làm lễ tưởng niệm với Bác Hồ như đối với người cha đẻ của mình theo đúng các nghi thức cổ điển của người phương Đông. Những năm sau đó, năm nào cụ Mac Shin cũng gửi tiền về Việt Nam nhờ mua cho mỗi cụ đồng minh trong đại đội Việt - Mỹ ngày ấy một cành đào hay gốc quất để đón Tết.

3. Bây giờ, quá khứ đau thương trong quan hệ hai nước đã ở lại phía sau. 40 năm sau chiến tranh, 20 năm sau bình thường hóa quan hệ, 15 năm sau Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, 2 năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, chuyến thăm lịch sử trong những ngày tháng 7-2015 này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đưa mối bang giao giữa hai đất nước, hai dân tộc sang một trang mới đầy hứa hẹn. Trong cuộc đối thoại tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama nêu rõ, trong thế kỷ XX, lịch sử hai nước có những trang đau đớn, triết lý chính trị, hệ thống chính trị hai nước có những khác biệt, nhưng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam đã cùng hợp tác dựa trên nền tảng vì lợi ích và hạnh phúc của người dân và đã đạt được những kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, từ hai nước cựu thù, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành bạn, rồi đối tác toàn diện và trong tương lai mối quan hệ đó sẽ còn phát triển tốt hơn nữa, nhờ tầm nhìn chiến lược, sự nỗ lực của lãnh đạo hai nước và sự ủng hộ của nhân dân, vì quan hệ hai nước phù hợp với lợi ích của nhân dân và xu hướng phát triển hiện nay là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển thịnh vượng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta. Nhớ lại, 15 năm trước, tối 17-11-2000, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên, tại Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton, người đã quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào ngày 12-7-1995 - một trong những quyết định khó khăn nhất trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông - đã nói: "Quả thực, lịch sử mà chúng ta để lại sau mình rất đau buồn và nặng nề. Chúng ta không được quên nó. Nhưng chúng ta cũng không được để nó chi phối chúng ta. Quá khứ chỉ là cái đến trước tương lai, quá khứ không phải là cái quyết định tương lai. Hôm nay, nước Mỹ và nước Việt Nam đang làm nên trang sử mới".

Điều đáng mừng là kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, 20 năm qua, bằng những chuyển động ngày càng mạnh mẽ, quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực đều tiến về phía trước, trong đó có những tiến bộ vượt bậc. Chỉ nêu vài con số: Từ chỗ hàng hóa Việt Nam là "cấm kỵ" tại Mỹ và khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt 450 triệu USD thì năm 2014 đã lên gần 39 tỷ USD. Năm 2014, Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho thị trường Mỹ đứng đầu ASEAN, trên cả Malaysia và Thái Lan, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang Mỹ, và có thể đạt 30% năm 2020. Gần 17.000 học sinh Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ sẽ là nguồn nhân lực quý, góp sức kiến tạo tương lai.

Tháng 7-2015 này, một trang sử mới nữa rất ấn tượng lại mở ra khi quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn phát triển với nhiều hứa hẹn. Không chỉ mang tính biểu tượng, bằng những kết quả rất quan trọng được thể hiện trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ; bằng những nhận thức và hiểu biết lẫn nhau thông qua các cuộc gặp, hội kiến với các nhà lãnh đạo, các chính khách Mỹ nổi tiếng; bằng các thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực được ký kết, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước. Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông đang có những diễn biến rất phức tạp, thành công nổi bật của chuyến đi này đang góp phần tạo một tư thế chiến lược mới cho đất nước ta trong quan hệ quốc tế, nhất là với những đối tác lớn. Chuyến đi đầy dự cảm thời cuộc này là sự tiếp nối những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam trong 30 năm đổi mới, là kết quả của sự khẳng định vai trò, uy tín ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng nhất. Theo các nhà quan sát thời cuộc, Hoa Kỳ nhìn thấy tầm vóc một nước Việt Nam mới ngày càng sáng rõ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hết sức năng động nhưng cũng đầy bão tố - nơi mà Washington đang thực hiện chính sách xoay trục.

4. Với những đặc thù quan hệ giữa hai quốc gia từng là cựu thù trong một cuộc chiến vô cùng khốc liệt, có thể chế chính trị khác nhau, điều vô cùng quan trọng - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh là "khép lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai". Nền tảng của mối quan hệ chính là lòng tin. Lòng tin chỉ được tạo dựng trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, thực sự tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Nước Mỹ đã cam kết tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời cho thấy cường quốc thế giới này thừa nhận vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lòng tin sẽ tiếp tục được bồi đắp bằng việc đẩy mạnh tiếp xúc giao lưu trên tất cả kênh, các cấp, trong các tầng lớp nhân dân. Trong nhận thức đó, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Barack Obama là một sự kiện được lãnh đạo và nhân dân Việt Nam mong đợi, có ý nghĩa rất quan trọng.

Hai nước hiện còn có những khác biệt, trong đó có vấn đề nhân quyền; còn phải quan tâm khắc phục hậu quả chiến tranh rất nặng nề như vấn đề nạn nhân chất độc da cam, rà phá bom mìn… Thông qua đối thoại thẳng thắn và xây dựng, sẽ có cách nhìn khách quan và thực tiễn, không để những vấn đề còn khác biệt và tồn đọng ảnh hưởng đến việc xây dựng lòng tin, cản trở đà tiến triển tốt đẹp của mối quan hệ. Trong cuộc thảo luận tại Nhà Trắng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Barack Obama tin tưởng sẽ giải quyết được một số vấn đề còn khác biệt thông qua những nỗ lực ngoại giao, không chỉ trong khuôn khổ song phương mà cả đa phương, thông qua hợp tác ASEAN. Trên tinh thần đó, chúng ta mong muốn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết vào cuối năm nay.

Trong một tầm nhìn rộng mở và tươi sáng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang hứa hẹn ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, vươn tới tầm cao phát triển mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyến đi lịch sử, tầm nhìn chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.