Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển dần sang xã hội hóa trong việc đầu tư cho môi trường

Tiến Thành| 18/06/2020 18:04

(HNMO) - Chiều 18-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường nhằm cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, cắt giảm hơn 40% thủ tục, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 ngày đến 75 ngày; góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Giảm khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về bảo vệ môi trường…

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng).

Bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường, các đại biểu Quốc hội cũng nêu một số ý kiến bổ sung vào dự thảo Luật.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) đánh giá, dự thảo Luật tiếp cận tích cực theo hướng tích hợp tất cả quy trình, thủ tục xác nhận hoàn thành các quy trình bảo vệ môi trường, giấy phép, giấy cấp phép xả thải… vào một quy trình để giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng, có nhiều điểm cần phải được nghiên cứu thấu đáo để bảo đảm tính khả thi, bởi kết cấu và nội dung của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường được quy định trong dự thảo Luật khá phức tạp và có nhiều nội dung trùng lặp với báo cáo đánh giá tác động môi trường, làm phát sinh thêm thủ tục…

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) băn khoăn về việc tác động vào môi trường liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành khác nhau nên quy định tích hợp thủ tục có bảo đảm về tiêu chuẩn và kỹ thuật chuyên môn không? Mặt khác, khi giao một đơn vị vừa cấp phép vừa là cơ quan kiểm tra, thanh tra thì đây là quy trình khép kín, có bảo đảm khách quan không?

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho biết, thời gian qua, có nhiều công trình, dự án xâm phạm nghiêm trọng tới cảnh quan thiên nhiên, gây bức xúc dư luận như tại vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Tam Đảo, đèo Mã Pì Lèng…

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong việc bảo vệ, khai thác cảnh quan thiên nhiên, nhất là trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tác động trực tiếp, tiêu cực tới cảnh quan thiên nhiên, cũng như vai trò, quyền lợi, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng).

Đồng tình quan điểm thể hiện trong dự thảo Luật là không thu phí rác cộng đồng mà tính phí trên cơ sở “ai xả rác nhiều hơn phải đóng tiền nhiều hơn”, đại biểu Nguyễn Chí Tài (Đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng, phương thức thu phí này bình đẳng, khách quan, khoa học, tiến bộ, khác với tình trạng thu phí kiểu đánh đồng, bình quân như hiện nay.

“Đây là vấn đề mới, quá trình triển khai giai đoạn đầu chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có lộ trình phù hợp với đặc điểm từng địa phương”, đại biểu kiến nghị.

Nhiều đại biểu đánh giá, đây là luật quan trọng, tác động đến nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, sức khỏe của người dân, vì vậy cần phải thảo luận kỹ lưỡng trước khi thông qua tại một kỳ họp của Quốc hội khoá XV.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ nghiêm túc nghiên cứu tính khả thi của Luật trong đời sống, đồng thời bảo đảm tầm nhìn để “sức sống” của Luật dài hơn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho người dân để thực hiện các chính sách về môi trường, đồng thời chuyển dần sang xã hội hóa trong việc đầu tư cho môi trường. Đây sẽ là tinh thần xuyên suốt của Luật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho dự thảo Luật khi đã có 17 đại biểu phát biểu, 6 đại biểu tranh luận và 35 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu do thời gian không cho phép. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển dần sang xã hội hóa trong việc đầu tư cho môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.