(HNM) - Sáng 1-6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn khoa học thảo luận về dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành với chủ đề "Công khai, khoa học và trách nhiệm".
Diễn ra trong bối cảnh ngày 4-6 tới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ trình bày báo cáo về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước Quốc hội và ngày 25-6, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết về việc có thông qua chủ trương đầu tư hay không? Diễn đàn khoa học nêu trên đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia về ngành hàng không, xây dựng, kinh tế. Thực tế, dự án này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội trong thời gian vừa qua. Có nhiều ý kiến ủng hộ và cũng có không ít người lên tiếng phản đối. Tất nhiên, từng đóng góp đều có lập luận riêng. Người viết bài này không phải là những chuyên gia, nhà nghiên cứu chuyên sâu của từng lĩnh vực nên xin bàn vấn đề ở khía cạnh khác dựa trên căn cứ là ý kiến của những người trong cuộc.
1. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đất nước còn nghèo, với một nguồn kinh phí khổng lồ phải bỏ ra nếu được phê duyệt (dù là vốn ngân sách, vốn ODA, vốn xã hội hóa), Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành thu hút sự chú ý của dư luận xã hội là điều bình thường. Và dù là ý kiến ủng hộ hay ý kiến phản biện cũng thật đáng mừng bởi xuất phát điểm đều là những tấm lòng quan tâm tới lợi ích quốc gia, tới sự phát triển của đất nước. Thực hiện những công việc lớn như thế, càng tranh thủ tối đa sự đồng thuận, càng tránh được những sai sót, thất thoát, lãng phí. Ấy là điều mà không ít dự án đã mắc phải, thậm chí có những việc đã để lại hệ lụy lâu dài mà cả xã hội phải gánh chịu khi mà hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng là ngân sách, tài sản của Nhà nước, bỗng dưng đổ xuống sông, xuống biển hoặc là "miếng mồi ngon" cho tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm… Vì vậy, phát biểu của người đứng đầu ngành GTVT là rất đáng hoan nghênh khi ông cho rằng, ý kiến của bất cứ người dân nào, dù đó là nông dân, công nhân, trí thức hay nhà khoa học đều được cơ quan chức năng trân trọng và nghiên cứu tiếp thu. Cũng về vấn đề này, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm: Tôi và người dân rất lo lắng về nợ công nhưng việc gì cần thiết cho đất nước phát triển thì vẫn phải làm, cái chính là phải chống được thất thoát, đội giá. Như vậy dân mới ủng hộ.
Vâng! Đó chính là cái gốc của vấn đề.
Đã có nhà khoa học dẫn lại câu nói của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, đại ý rằng "cải cách, đổi mới càng gặp nhiều sự chống đối càng tốt". Như vậy, muốn đổi mới, cải cách người ta phải chuẩn bị tốt luận chứng, luận cứ để phản biện lại những ý kiến phản đối nhằm bảo vệ quan điểm của mình. Làm được như vậy cũng là cách trả lời xác đáng nhất cho việc có cần cải cách, đổi mới hay không?
2. Tại một hội thảo khác, cũng bàn tới việc nên hay không nên thực hiện dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, có ý kiến nêu là chúng ta đã mất tròn 18 năm cho các công việc thuần túy về thủ tục. Xin nhấn mạnh một lần nữa, bài viết không bàn sâu các góc độ chuyên môn, song phải thấy rằng, cần thực hiện cải cách hành chính hơn bao giờ hết. Dù thực hiện hay không thực hiện dự án nêu trên, song với một quãng thời gian dài như vậy, thời cơ hay cơ hội là điều không lặp lại, trong khi đó, đây chính là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả kinh tế khi dồn vốn cho việc thực hiện một dự án.
Có thể thấy, câu chuyện về dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành đã đi tới hồi kết. Vấn đề là dù theo hướng nào thì cũng cần quyết liệt vào cuộc, cả ý kiến bảo vệ quan điểm triển khai dự án và ý kiến phản biện. Việc của các cơ quan chức năng là tiếp thu, giải trình, làm rõ mọi khía cạnh dựa trên căn cứ, cơ sở là những con số tính toán và lập luận khoa học. Chỉ có như vậy mới có thể tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và bảo đảm lợi ích cùng sự phát triển của quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.