(HNM) - Trong bối cảnh hai miền Triều Tiên đang căng thẳng và những bất ổn tại Trung Đông chưa có hồi kết, đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, mở đầu chuyến công du 10 ngày tới một loạt các nước Trung Đông, Châu Á và Châu Âu.
Tổng thống Israel Shimon Peres (phải) và Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry tại Jerusalem ngày 8-4. |
Chặng dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng J.Kerry là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hàn gắn quan hệ đồng minh đang rạn nứt giữa nước chủ nhà với Israel. Mối quan hệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ - Israel bắt đầu đi xuống vào năm 2010, sau khi Israel tấn công một tàu chở hàng viện trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho người dân Palestine tại Gaza lúc đó đang bị Israel phong tỏa, khiến 8 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Ngoài ra, cuộc nội chiến tại Syria cũng là trọng tâm trong các cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng J.Kerry và giới cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Rời Istanbul, Ngoại trưởng J.Kerry đã đến Jerusalem, gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và sau đó gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại thành phố Ramallah thuộc khu Bờ Tây. Chuyến thăm của ông J.Kerry diễn ra vào thời điểm giao tranh lại bùng phát dữ dội giữa Israel và các phần tử vũ trang Palestine tại dải Gaza. Theo giới phân tích, Ngoại trưởng J.Kerry đang tìm cách giải quyết từng phần thay vì một giải pháp tổng thể cho cuộc xung đột nhiều thập kỷ qua giữa Israel và Palestine. Rõ ràng, chuyến thăm Trung Đông lần thứ ba của Ngoại trưởng J.Kerry chỉ trong hơn một tháng qua cho thấy mối quan tâm trong chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama với Trung Đông so với nhiệm kỳ đầu khi mà cả ông B.Obama lẫn Ngoại trưởng H.Clinton đều được xem là đã không có biện pháp đáng kể nào để giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine.
Ngoài Trung Đông, điểm nhấn của chuyến công du là chuyến thăm Châu Á đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ của ông J.Kerry. Từ ngày 12 đến 15-4, chương trình nghị sự dày đặc của Ngoại trưởng Mỹ ở 3 quốc gia gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm thảo luận các vấn đề song phương và đa phương như kinh tế và an ninh; đặc biệt là nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Sau khi điều máy bay ném bom chiến lược B-52 và chiến hạm chống tên lửa tới bán đảo Triều Tiên cũng như triển khai hệ thống phòng tên lửa tại Alaska và Guam, chính quyền B.Obama như đang tìm cách "giảm nhiệt" bằng ngoại giao, cả ngắn hạn lẫn dài hạn để đối phó với "thanh gươm" hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, giờ đây, Trung Quốc dường như đã chia sẻ nhiều hơn lo ngại với Mỹ về Triều Tiên, bằng việc ủng hộ các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Liên hợp quốc và kêu gọi đàm phán để giải quyết cuộc đối đầu. Không chút nghi ngờ, cơ hội giải quyết vấn đề Triều Tiên là không nhỏ khi Trung Quốc đang có cái nhìn mới với quốc gia này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thừa nhận vai trò không thể thiếu của Trung Quốc trong nỗ lực ngoại giao với CHDCND Triều Tiên khi Người phát ngôn Victoria Nuland nêu rõ Trung Quốc là "đòn bẩy" mạnh nhất với Triều Tiên. Do đó, thật không ngẫu nhiên khi ông J.Kerry chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên tại Châu Á. Sau Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Hàn Quốc mà mục đích không gì hơn là trấn an đồng minh trước những đe dọa tung ra hàng ngày từ người láng giềng. Điểm dừng chân cuối cùng của ông J.Kerry là Nhật Bản trong bối cảnh hai nước vừa đạt được thỏa thuận, theo đó binh sỹ Mỹ sẽ ở lại các căn cứ quân sự ở Okinawa mà không phải di chuyển đi nơi khác. Xem ra, chuyến thăm Châu Á đầu tiên của tân Ngoại trưởng Mỹ nhiều thuận lợi hơn so với người tiền nhiệm Hillary Clinton.
Thực tế, kể từ khi tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược sang Châu Á - Thái Bình Dương (tháng 6-2012), các lãnh đạo cấp cao dưới thời Tổng thống B.Obama liên tục công du đến khu vực nhằm chứng tỏ vai trò của Mỹ trong các vấn đề nóng bỏng tại đây. Tất cả đều không ngoài khẳng định quyết tâm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, sứ mệnh của Ngoại trưởng J.Kerry không chỉ là giúp Mỹ củng cố quan hệ với các đồng minh cũ, tìm kiếm thêm các đồng minh mới mà còn tăng cường quan hệ với các đối tác trên cả ba lĩnh vực: kinh tế, chính trị và quân sự, qua đó giúp Washington tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo ở Châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.