(HNMO) - Sau bóng chuyền đến lượt bóng bàn được ngành dầu khí đầu tư mạnh mẽ. Tiếng là đi sau nhưng xem ra cái sự “về trước” cũng không đến nỗi thua chị kém em.
CLB Petro Việt Nam tham dự Giải Cây vợt vàng lần thứ 24. |
* Chịu chơi mới ra thành tích
Tại Giải Cây vợt vàng lần thứ 24 mới diễn ra ở Vũng Tàu, CLB chưa đầy 1 tuổi đời này, tính từ ngày ra mắt vào cuối tháng 10-2009, đã giành 2 HCV thành tích nổi bật nhất của CLB trong năm 2010. Trong lịch sử giải Cây vợt vàng, chưa CLB nào, thậm chí cả đội tuyển quốc gia Việt Nam giành được thành tích tốt như vậy trong một giải. Tất nhiên, thành tích ấy có được nhờ việc CLB Petro Việt Nam được thuê 2 tay vợt Trung Quốc. Bộ đôi này cùng Đoàn Kiến Quốc, Hồ Ngọc Thuận đã mang về cho Petro Việt Nam tấm HCV đồng đội, tấm huy chương danh giá nhất trong các nội dung thi đấu của bóng bàn. Và sẽ có câu hỏi ngược lại: Nếu không có 2 tay vợt Trung Quốc kia, liệu Petro Việt Nam có đạt được thành tích như vậy? Câu trả lời là “Khó!”. Nhưng thử hỏi, trong làng bóng bàn Việt Nam hiện có mấy CLB dám chịu chơi thuê cả HLV ngoại lẫn các tay vợt ngoại như Petro Việt Nam. Câu trả lời là “ Rất ít!”. Có chăng chỉ là T&T, CLB đầu tiên của Việt Nam hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp, nơi VĐV cảm thấy công sức bỏ ra được đối xử tương xứng.
Ở CLB Petro Việt Nam, khái niệm “tiền nào người ấy” được áp dụng triệt để. Đoàn Kiến Quốc được mời về với mức lương 20 triệu đồng/ tháng và một khoản phí mà theo dân trong làng bóng bàn là lớn nhất từ trước tới nay dù so với bên bóng đá cũng chưa là gì. Nhưng những người có trách nhiệm ở Cty cổ phần thể thao- Văn hóa dầu khí- đơn vị quản lý CLB Petro Việt Nam có lý của mình. Tài năng của Kiến Quốc là không phải kiểm chứng, thành tích trong nước và quốc tế thuộc hàng khủng nhất Việt Nam. Không kể, có Quốc là có sự bảo đảm thành công ở giải quốc nội, ít nhất trong vài năm tới. Vì thế tài năng của Quốc cần được đối xử tương xứng. Ngay cả 2 tay vợt Trung Quốc được thuê để đánh giải Cây vợt vàng cũng vậy. Số tiền họ nhận được trong giải đấu đó có thể bằng lương cả năm của nhiều tay vợt Việt Nam nhưng nếu không có họ, Petro Việt Nam đâu sớm ghi danh trên bảng vàng của giải Cây vợt vàng đến vậy?
* Chỉ “mờ mờ ảo ảo” nếu thiếu nhà tài trợ!
Chế độ đãi ngộ là một chuyện’ tạo ra một môi trường sống, tập luyện để kích thích sự phát triển của các tay vợt lại là chuyện khác. Ở Petro Việt Nam, VĐV được lo chuyện học văn hóa đầy đủ, ai chưa hoàn thành chương trình phổ thông được “giao trách nhiệm” hoàn thành ngay; ai học ĐH TDTT cũng tạo điều kiện theo học để yên tâm làm nghề huấn luyện khi giã từ nghiệp VĐV. Những Đoàn Kiến Quốc, Hồ Ngọc Thuận vì thế cũng có nhiều động lực phấn đấu. Không kể họ cùng các đồng đội cũng được tạo điều kiện tối đa về ăn tập. Ngay chuyến tập huấn chuẩn bị cho giải Cây vợt vàng, Petro Việt Nam cũng chọn Bắc Kinh (Trung Quốc) làm điểm đến. Đó là nơi hội tụ nhiều cao thủ làng bóng bàn Trung Quốc, vừa giúp VĐV nâng cao trình độ vừa tiện cho việc tìm thuê VĐV ngoại. Kinh phí tập huấn không nhỏ, ngoài tầm với của nhiều CLB trong nước. Trong tương lai, một trung tâm thể thao đa năng tiêu chuẩn quốc tế tại Vĩnh Phúc đã được nhắc đến, hứa hẹn sẽ làm nơi khiến các VĐV có nhiều điều kiện cống hiến, phát huy khả năng hơn.
Tất nhiên để CLB có thể hoạt động có hiệu quả phải có nguồn kinh phí dồi dào. Kinh phí hoạt động năm của CLB Petro Việt Nam khoảng 4 tỷ đồng, một con số trong mơ với nhiều CLB còn trong cơ chế bao cấp ở các tỉnh, thành, ngành. Những nhà tài trợ cho CLB như Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, Xí nghiệp Liên doanh VietsovPetro đều sẵn lòng đi cùng CLB để từ đó CLB Petro Việt Nam dễ bề gây dựng tên tuổi chỉ trong một thời gian ngắn như vừa qua. Lãnh đội cũng phải công nhận, không có các nhà tài trợ thì cái tên Petro Việt Nam cũng chỉ mờ mờ ảo ảo trong làng bóng bàn Việt Nam, không thể làm nơi “đất lành chim đậu” thu hút được các tay vợt hàng đầu Việt Nam. Vì thế người ta mới không bất ngờ trước tuyên bố đạt thứ hạng cao trong các giải thuộc hệ thống thi đấu quốc gia và quốc tế ngay trong năm 2010 và 2011 của lãnh đội trong này đội ra mắt vào tháng 10 năm trước.
Thực sự, nếu có nhiều CLB theo mô hình hoạt động như Petro Việt Nam, chắc làng bóng bàn Việt Nam sẽ sôi động hơn nhiều!
CLB bóng bàn Petro Việt Nam do Công ty CP Thể thao Văn hóa Dầu khí (thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam) điều hành và quản lý . Đây là một trong số ít CLB bóng bàn ở Việt Nam hoạt động theo mô hình thể thao chuyên nghiệp, hạch toán độc lập, nguồn kinh phí hoạt dựa trên tài trợ và quảng cáo thương hiệu cho các doanh nghiệp thông qua hoạt động thi đấu của đội bóng. Hiện nay Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Vietsovepetro và Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) là nhà tài trợ chính của CLB bóng bàn Petro Việt Nam. Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Vietsovepetro được thành lập từ năm 1981, là đơn vị khai thác dầu khí lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí là đơn vị chủ lực của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Giai đoạn 2006-2010, PVEP đạt tổng doanh thu 133,8 ngàn tỷ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước đạt 42,2 ngàn tỷ đồng. Sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đơn vị này đang là lợi thế to lớn giúp CLB bóng bàn Petro Việt Nam khẳng định vị thế trong làng bóng bàn Việt Nam. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.