(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội” tại các sở, ngành, địa phương. Qua giám sát, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, dần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tháo gỡ “điểm nóng” về đất đai
Theo UBND thành phố Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 20 vụ việc, “điểm nóng” khiếu nại, tố cáo, tập trung đông người do có vướng mắc khi thực hiện hỗ trợ người sử dụng đất nông nghiệp theo phương thức giao đất dịch vụ, giao đất ở đối với các dự án thu hồi đất áp dụng theo Luật Đất đai 2003, nhưng do chậm triển khai thu hồi đất hoặc chậm giao đất dịch vụ nên khi sự thay đổi về cơ chế hỗ trợ, không có quy định chuyển tiếp. Từ đó đã xảy ra tình trạng người dân gửi đơn thư khiếu nại đến các cấp mong muốn được giải quyết.
Để giải quyết vấn đề trên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, thành phố Hà Nội đã kiến nghị có cơ chế đặc thù tháo gỡ việc giao đất dịch vụ đối với 12.152 hộ gia đình, cá nhân với diện tích khoảng 35,54ha, qua đó giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai.
Cuối năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản cho phép UBND thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ giao đất dịch vụ trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Mê Linh theo thẩm quyền đối với các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp thu hồi từ khi có quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trước đây và các trường hợp còn tồn đọng theo quy định của Luật Đất đai năm 2003. Theo UBND huyện Mê Linh, chủ trương này sẽ giúp giải quyết gần 24ha đất dịch vụ cho 5.642 hộ dân trên địa bàn.
Bà Đỗ Thị Thúy (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) chia sẻ, sau 20 năm mong mỏi với hàng chục lá đơn gửi các cấp từ thành phố đến trung ương, đến nay vấn đề giao đất dịch vụ cho hàng nghìn hộ dân ở huyện Mê Linh bước đầu đã được giải quyết. “Người dân ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương giải quyết những khó khăn, bức thiết, góp phần ổn định đời sống dân sinh”, bà Đỗ Thị Thúy nói.
Là địa phương đầu tiên của Hà Nội hoàn thành giao đất dịch vụ cho nhân dân, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, từ nhiều năm qua, huyện đã nhiều lần họp bàn và xin chủ trương của thành phố Hà Nội về việc dành quỹ đất để bàn giao đất dịch vụ theo quy định. Để việc giao đất cho các hộ đủ điều kiện được khách quan, dân chủ, huyện Đông Anh đã lập hội đồng xét duyệt từ thôn đến xã, huyện, qua nhiều vòng một cách công khai, minh bạch và dân chủ.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Bên cạnh giải quyết từ gốc rễ phát sinh khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được UBND thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc hơn.
Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố, Trưởng ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, Chủ tịch UBND thành phố đã thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Trong đó, Đoàn sẽ tổng hợp, rà soát, phân tích, đánh giá tình hình khiếu nại, tố cáo, gửi đơn thư của công dân liên quan đến các sở, ngành, từng địa bàn quận, huyện, thị xã tại trụ sở tiếp công dân thành phố; lập danh sách một số vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp đối với từng địa bàn để kiểm tra hồ sơ và tình hình giải quyết tại cấp huyện…
“Căn cứ kết quả kiểm tra tại các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, Đoàn kiểm tra làm rõ kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu đơn vị; trên cơ sở đó, đề xuất thực hiện các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo”, ông Cù Ngọc Trang chia sẻ.
Trong các buổi làm việc với đơn vị, địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh luôn lưu ý các đơn vị, địa phương phải làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động tăng cường việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị về những quy định hành chính. Bên cạnh đó, cùng với việc tiếp công dân thường kỳ tại trụ sở tiếp công dân thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng khẳng định sẽ chỉ đạo cụ thể các phương hướng giải quyết khách quan, công tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ công tác thuộc Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan trên địa bàn đã có nhiều cố gắng trong việc khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới, triển khai nhiều giải pháp, biện pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua.
Làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân; giúp cho Đảng, Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền trong giải quyết tận gốc vấn đề dễ nảy sinh khiếu nại, tố cáo, thành phố Hà Nội sẽ phát huy những ưu điểm đã đạt được, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.