Chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) lớp 11 phân ban thí điểm đã giảng dạy được 1 năm. Thực tế cho thấy, nếu xét riêng lẻ từng bài thì việc giảng dạy của giáo viên (GV) và học tập của HS có thể cố gắng thực hiện được, nhưng nếu xét toàn bộ CT của tất cả các môn thì khối lượng kiến thức chồng chất khá lớn.
Chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) lớp 11 phân ban thí điểm đã giảng dạy được 1 năm. Thực tế cho thấy, nếu xét riêng lẻ từng bài thì việc giảng dạy của giáo viên (GV) và học tập của HS có thể cố gắng thực hiện được, nhưng nếu xét toàn bộ CT của tất cả các môn thì khối lượng kiến thức chồng chất khá lớn. Hy vọng sau đợt tập huấn vòng II cho GV cốt cán diễn ra từ 15-28/7/2005, những "vướng mắc" sẽ được "tháo gỡ". Hànộimới Tin chiều đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đinh Quang Báo, Trưởng ban thực hiện CT-SGK lớp 11 phân ban thí điểm về vấn đề này...
- Theo Giáo sư, vấn đề cốt yếu của việc thay SGK là gì?
Hiện nay, SGK đang được biên tập theo cách tiếp cận rất tiến bộ, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa việc cung cấp thông tin với tổ chức các họat động trên lớp. Tổ chức HS thực hiện, hoàn thành các họat động trên cơ sở có các mẫu thông tin được đính kèm theo SGK. Như vậy trên lớp học trò phải tự nghiên cứu các thông tin đã có và GV chỉ giải đáp, bổ sung những vấn đề học trò chưa hiểu... Sản phẩm của quá trình này sẽ là kiến thức cho HS. Như vậy có thể hiểu HS tự làm việc để có kiến thức chứ không phải tiếp thu qua lời giảng của GV - đây là điểm nổi bật nhất của SGK hiện tại.
- Nếu nói vậy, bản thân GV sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thay SGK?
Tôi cho là họ có hai cái khó: Thứ nhất vì nội dung mới cập nhật nhưng vấn đề này không khó bằng việc họ phải thay đổi phương pháp giảng dạy từ thụ động sang chủ động. Đây là điểm mà GV lúng túng nhất, sự lúngtúng này không chỉ GV mà ngay các tác giả viết SGK cũng gặp phải. Trong các trường học ở Việt Nam, đặc biệt là các trường phổ thông phương pháp giảng dạy yếu nhất là không khơi dậy được sự sáng tạo, chủ động của người học, HS học như vẹt. CT-SGK hiện nay được xây dựng với mục đích xóa bỏ cách học này.
Trên thực tế, đưa nội dung mới vào là GV rất khó khăn vì từ nhiều năm nay GV quen với nội dung cũ. Sẽ phải chạy "rođa" khoảng 1 năm GV mới quen dần với những điểm mới. Tập huấn vòng 1, GV đến lớp mới cầm quyển sách - hoàn toàn bị động - chỉ nghe một chiều. Còn đợt này thuận lợi hơn vì họ sẽ được nghe những gì mình chưa biết - "gãi đúng chỗ ngứa" hiệu quả sẽ cao hơn. Những vướng mắc sau 1 năm thực hiện sẽ được giải quyết từng vấn đề, hiệu quả sẽ không kém như vòng 1.
- Có nhiều ý kiến cho rằng CT-SGK lớp 11 phân ban thí điểm quá nặng?
Thực tế, có 3 ý kiến: tải vừa, quá tải, chưa tới tải nhưng mọi người chỉ thiên về việc nó quá tải! Người dân, phụ huynh HS chắc chắn không nghĩ xem đã tới tải chưa nhưng nhà giáo dục học thì phải đặt câu hỏi này. Nói đơn giản là lấy một đối tượng làm chuẩn để xác định tải. Bắt buộc tất cả phải "vác" 60kg, nhưng có người chỉ có thể vác 50kg thì phải "chỉnh" xuống 50kg hay vẫn duy trì 60 kg - vấn đề này cần phải xem xét! Có thể từng môn học không quá tải nhưng cộng tất cả các môn ở phổ thông lại thành quá tải... Với người học và điều kiện của Việt Nam thì đúng là có người, có nơi... quá tải. Nhưng theo tôi, CT-SGK của ta không hề quá tải. HS Việt Nam hoàn toàn có khả năng "tải" được vì nếu so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia... thì chúng ta còn dưới tải nhiều.
- Theo GS, có biện pháp nào để khắc phục sự "quá tải" này?
Ta phải chọn môn học ở phổ thông để đưa vào như thế nào, không phải là "chỉnh" từng môn mà phải điều chỉnh hệ thống các môn; Nội dung giáo dục và môn học nào học nội khóa, môn nào học ngoại khóa... Nguyên nhân sâu xa còn ở chỗ HS có thể vác được 60kg nhưng chính các thầy làm cho HS "yếu" đi để không vác được - vì không có phương pháp giảng dạy. Hiện nay quá tải có nguyên nhân từ phương pháp giảng dạy nhồi nhét kiểu "thầy đọc, trò chép"... Tôi khẳng định, HS Việt Nam đủ sức học chương trình hiện tại, thậm chí có thể cao hơn với điều kiện phải cải tiến cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy, kế hoạch, nội dung tổng thể của các cấp học...
HNMTC
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.