LTS: Với sự đổ bộ ồ ạt của các chương trình truyền hình thực tế được mua bản quyền từ nước ngoài, khán giả Việt Nam có vẻ đã tới điểm bão hòa khi phải xem rất nhiều chương trình na ná nhau. Điều quan trọng là trong
LTS: Với sự đổ bộ ồ ạt của các chương trình truyền hình thực tế được mua bản quyền từ nước ngoài, khán giả Việt Nam có vẻ đã tới điểm bão hòa khi phải xem rất nhiều chương trình na ná nhau. Điều quan trọng là trong "cơn bão" truyền hình thực tế với những "hạt sạn" lọt vào trong đó, liệu có phải tính định hướng về xây dựng chương trình truyền hình giải trí mang tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ đối với công chúng đang nhạt dần, tỏ ra lép vế trước mục tiêu lợi nhuận?
Bài 1: Nghịch lý giữa lượng và chất
(HNM) - Năm năm trở lại đây, các đài truyền hình trong nước thường xuyên bắt tay với nhiều đơn vị tư nhân nhằm nhập khẩu chương trình truyền hình giải trí "hot" trên thế giới, từ ca hát đến nhảy múa, trình diễn thời trang… Không thể phủ nhận rằng, sự xuất hiện của những chương trình mới giúp "mâm cỗ giải trí" trên truyền hình được đổi mới, đa dạng hơn. Thế nhưng, theo quy luật chung, khi sự mới mẻ không còn, khán giả bắt đầu có sự đánh giá kỹ lưỡng hơn về "món mới".
"Bão" truyền hình thực tế
Chưa bao giờ cụm từ "truyền hình thực tế" lại xuất hiện nhiều như hiện nay. Những chương trình truyền hình thực tế lớn, nhỏ dường như đã phủ kín khung "giờ vàng" các ngày cuối tuần của hầu khắp các nhà đài.
Những chương trình truyền hình thực tế dường như đã phủ kín khung giờ vàng” các ngày cuối tuần. |
Năm 2014, chương trình truyền hình thực tế có bản quyền nước ngoài được nhận định tiếp tục tung hoành trên sóng truyền hình quốc gia và nhiều địa phương, đặc biệt là ở các đài truyền hình các tỉnh, thành phố lớn. Tính sơ sơ, năm nay có gần 20 chương trình truyền hình thực tế nối gót lên sóng truyền hình Việt Nam, trong số đó, chương trình liên quan đến ca hát vẫn chiếm tỷ lệ lớn, tiếp đến là chương trình về người mẫu, thời trang và nhảy múa. Đến thời điểm này, trên VTV3 - kênh thể thao, giải trí của truyền hình quốc gia có 4 chương trình đáng chú ý: "Đố ai hát được", "Bước nhảy hoàn vũ" (tối thứ bảy hằng tuần), "Vietnam Idol", "Chinh phục đỉnh cao" (tối chủ nhật). Từ tháng 3-2014, một loạt chương trình mới được quảng bá là "hot" hơn, hấp dẫn hơn sẽ xuất hiện dồn dập, như các nhà sản xuất đã đánh tiếng đặt lịch phát sóng từ cuối năm 2013. Đầu tiên là sự xuất hiện của chương trình "Ngôi sao Việt - Lotte VK Superstar" của Hàn Quốc từ ngày 15-3 trên VTV3, với lời giới thiệu hấp dẫn là không chỉ tìm kiếm tài năng âm nhạc mà còn góp phần đào tạo họ theo công nghệ và mô hình giải trí của Hàn Quốc. Chương trình "Tôi tỏa sáng" cũng sẽ lên sóng vào ngày 15-3, trên kênh VTV9 và một số kênh khác. Chương trình "Gương mặt thân quen" xuất hiện trở lại vào thứ bảy hằng tuần, bắt đầu từ ngày 29-3 tới đây (21h15 trên kênh VTV3).
Chương trình nối tiếp chương trình, lịch lên sóng truyền hình Việt Nam của các chương trình truyền hình thực tế dường như đã kín chỗ. Nhiều đến nỗi mà vào mỗi cuối tuần, khán giả chưa kịp chào tạm biệt chương trình này đã tiếp tục dán mắt vào những chương trình tiếp theo. Năm nay, ngoài những "món" quen thuộc chắc chắn góp mặt trên sóng truyền hình như "Giọng hát Việt nhí" mùa thứ 2, "Giọng hát Việt 2014" thì những chương trình lần đầu xuất hiện như "X-Factor - Nhân tố bí ẩn", "Học viện ngôi sao"… cũng bắt đầu vào giai đoạn quảng bá. Về thời trang, người mẫu thì có "Project runway", "Vietnam's next top model"; về nhảy múa, ngoài "Bước nhảy hoàn vũ" còn có "Got's to dance - Vũ điệu đam mê"; về lĩnh vực ẩm thực, không thể không nhắc đến chương trình "Vua đầu bếp"…
Có "bột" mới gột nên "hồ"
Dễ thấy là nhiều chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam xuất hiện với mác "tìm kiếm tài năng". Trong cùng một thời điểm, sự xuất hiện của quá nhiều chương trình với cái gọi là tìm kiếm tài năng đặt ra câu hỏi về khả năng tìm kiếm người chơi chất lượng - yếu tố quan trọng giúp cho chương trình không lâm cảnh "tầm thường hóa" và trở nên nhạt nhòa trong mắt người xem. Có vẻ như nhà sản xuất của một số chương trình đã không giải được bài toán này và thực tế là trong nhiều chương trình, khán giả luôn thấy sự xuất hiện của những gương mặt "quen quen", cả trong hàng ngũ giám khảo cũng như đội ngũ người chơi. Một số thí sinh bị loại ở sân chơi này đã lại mải mê "thể hiện tài năng" ở sân chơi khác. Có thí sinh "mòn" mặt ở những cuộc chơi tìm kiếm tài năng trên truyền hình, quay như chong chóng nhưng mãi không thể nổi lên được bởi luôn phải chạy theo tiêu chuẩn, mục đích giải trí khác nhau của các chương trình khác nhau.
Thiếu tài năng thật sự là một trong những yếu tố khiến cho các chương trình truyền hình thực tế, dù rất "hot" ở nước ngoài nhưng khi đến Việt Nam được 1-2 mùa là lập tức bộc lộ sự đuối. Số chương trình truyền hình thực tế bắt nguồn từ ý tưởng, kịch bản của nước ngoài nhưng bị "thất sủng" tại Việt Nam ngày một tăng, như có người nhận xét vui là "tỷ lệ thuận với số lượng chương trình mới xuất hiện". "Vietnam Idol" đã bước sang mùa thứ 5, bị chê "kém sắc" sau khi đi qua 2/3 chặng đường. "Giọng hát Việt 2013" không còn chiếm thế thượng phong về lượng người xem và lượng bình chọn như ở mùa đầu tiên mà nó xuất hiện, bị chê "thiếu muối", thí sinh nhạt nhòa. Chương trình tìm kiếm người mẫu nổi tiếng là "Vietnam's next top model 2013" không thoát khỏi vòng luẩn quẩn với công thức tìm kiếm những cô gái chân quê để biến họ thành "thiên nga". Sân chơi về nhảy múa, ca hát có nghệ sĩ tham gia đông đảo là "Cặp đôi hoàn hảo 2013", "Bước nhảy hoàn vũ 2013" và "cặp đôi" này sang đến mùa thứ 3 và thứ 4 bắt đầu phải tự vùng vẫy trong sự bão hòa chương trình truyền hình giải trí, không còn "đương nhiên được chọn" như trước nữa.
Rõ ràng, không có "bột" thì chẳng thể làm nên "hồ", "tuổi thọ" của những chương trình truyền hình thực tế không cao, có thể "chết yểu" chỉ sau một, hai mùa lên sóng nếu như chất lượng thí sinh yếu và nhà tổ chức không có những "chiêu" mới. Sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực này có thể tạo hệ lụy và bởi thế, không khó để hiểu vì sao nhiều chương trình truyền hình thực tế ngày càng trở nên thực dụng hơn với vô vàn scandal và những chiêu nhằm câu khách, qua đó nâng cao khả năng thu hút quảng cáo…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.