(HNM) - Đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa được Ban chỉ đạo cuộc vận động
Các cấp ngành liên quan cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” thật sự hiệu quả. Ảnh: Tuấn Minh |
Có thể thấy, qua hàng trăm phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, người tiêu dùng (NTD) nông thôn đã ngày càng quen thuộc với những thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, như: Nhựa Duy Tân, bột giặt CFC, bột giặt Lix, đồ gia dụng HappyCook… Họ được chính nhà sản xuất giới thiệu, tư vấn, giải thích cặn kẽ cách sử dụng, công năng với mức giá ưu đãi kèm nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Nhờ đó, NTD ở nông thôn có thông tin để so sánh, đánh giá về sự đa dạng của hàng Việt, về giá cả và chất lượng hàng Việt so với hàng ngoại nhập, hàng lậu đang được bày bán trên địa bàn. Đối với DN thì bán hàng trực tiếp tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn là một kênh quảng bá thương hiệu rất hiệu quả với chi phí thấp, lại có cơ hội tiếp cận để hiểu rõ nhu cầu của khách hàng. Từ đó, DN có thể nghiên cứu, tìm ra những sản phẩm mới thích hợp, đáp ứng nhu cầu riêng của từng vùng, miền. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để DN mở rộng hệ thống phân phối sau khi kết thúc phiên chợ. Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, sau mỗi phiên chợ, DN có thể có thêm 2-3 đại lý mới và thị phần có thể tăng 30% so với trước khi tham dự phiên chợ. Bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tiếp tại các phiên chợ, DN còn được tham gia nhiều chương trình xã hội để nâng tầm thương hiệu như dự các buổi huấn luyện kỹ năng bán hàng cho các tiểu thương tại địa phương, giao lưu với người tiêu dùng, tặng quà cho các hộ nghèo…
Với những thuận lợi trên, hàng Việt hiện chiếm khoảng 80% lượng hàng hóa được mua sắm ở khu vực nông thôn. Đến nay, doanh số và lượng khách hàng nông thôn đến với các phiên chợ tăng liên tục do đã biết có nhiều thương hiệu nổi tiếng từ thành phố tham gia phiên chợ và được bán với giá ưu đãi. Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến một số đại lý hàng Việt Nam sau các phiên chợ cho thấy, sự cam kết uy tín của hàng Việt vẫn còn thấp; chất lượng ban đầu rất tốt nhưng sau lại giảm dần; lợi nhuận, chiết khấu còn thấp hơn so với hàng liên doanh, hàng ngoại; việc giao hàng cũng thiếu tính ổn định… Đặc biệt, các DN chưa thấy hết vai trò quan trọng của tiểu thương trong việc giới thiệu và tác động đến khả năng mua hàng của NTD. Vì sau khi kết thúc phiên chợ, NTD sẽ tiếp tục mua hàng hóa tại chợ hoặc những đại lý bán hàng quen thuộc.
Theo nhận định của các DN đã tham gia nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đây là một chương trình hay, nhưng phần lớn DN tham gia chương trình đều là DN vừa và nhỏ, thiếu kinh phí để khảo sát, nghiên cứu thị trường. Mặt khác, dù có điều kiện để tiếp cận các nhà bán lẻ, các tiểu thương địa phương, nhưng do những khó khăn chung của nền kinh tế, DN chưa kết nối thường xuyên với các nhà phân phối để duy trì ổn định và liên tục các mặt hàng. Hơn nữa, vì đây là những thị trường phân tán, sức mua thấp, việc xây dựng mạng lưới phân phối tốn kém, chi phí vận chuyển cao… nên để trụ lại, đồng hành được cùng người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì rất cần một chiến lược và sự hỗ trợ từ phía ngành chức năng giúp DN xây dựng hệ thống phân phối qua các đại lý, cửa hàng ở từng địa bàn chứ không chỉ tổ chức các đợt bán hàng lưu động hay tổ chức hội chợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.