(HNMO) - Sáng 5-6, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại huyện Chương Mỹ.
Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại huyện Chương Mỹ.
Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU Nguyễn Văn Sửu.
25/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Trước khi làm việc với lãnh đạo huyện Chương Mỹ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cùng Đoàn công tác đã thăm mô hình trồng bưởi ở xã Nam Phương Tiến. Đây là vùng chuyên canh bưởi gắn với phát triển chuỗi nông sản an toàn giá trị kinh tế cao của huyện Chương Mỹ. Với gần 300ha trồng bưởi Diễn, trong đó có 150ha bưởi đã được thu hoạch, năm 2018, sản lượng bưởi của xã đạt hơn 2.700 tấn, hiệu quả kinh tế đạt trung bình 700 triệu đồng/ha/năm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng bưởi tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. |
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo huyện Chương Mỹ cho biết, đến nay, huyện có 25/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Về tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới, Chương Mỹ có 7/9 tiêu chí đạt. Năm 2019, huyện phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Năm 2020, huyện phấn đấu có 3 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Chương Mỹ kiến nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ các xã khó khăn của huyện xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí thực hiện 6 dự án khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 và số 4 năm 2018 trên địa bàn huyện…
Về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, đến nay, bệnh dịch đã xảy ra tại 32/32 xã, thị trấn với hơn 1.200 hộ chăn nuôi (chiếm 17,95% số hộ); tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 15.800 con (chiếm 6,37% tổng đàn). Huyện Chương Mỹ đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại tất cả các xã, thị trấn; tập huấn công tác phòng, chống bệnh dịch cho cán bộ và hộ chăn nuôi; tiêu hủy lợn bị bệnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số khó khăn như, kinh phí hỗ trợ từ nguồn dự phòng của huyện là 17 tỷ đồng, nhưng kinh phí hỗ trợ hiện nay đã lên tới 60 tỷ đồng.
Triển khai đồng bộ giải pháp phòng chống bệnh dịch, xây dựng nông thôn mới
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá, huyện Chương Mỹ đã chủ động, tích cực, nỗ lực thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy và công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Mặc dù thành phố Hà Nội và các địa phương đã tích cực, quyết liệt, nhưng tình hình bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực của địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Sửu cũng phê bình xã Tiên Phương còn chậm trễ trong việc hỗ trợ người dân tiêu hủy lợn bị bệnh dịch và yêu cầu huyện Chương Mỹ cần có biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi khoanh vùng bảo vệ đàn lợn, đặc biệt là các trại chăn nuôi lớn. Huyện cần khuyến cáo người dân không tái đàn lợn; sẵn sàng phương án bố trí quỹ đất để chôn lợn bị nhiễm bệnh dịch. Đồng chí cũng đề nghị huyện Chương Mỹ và các sở, ngành cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ các công trình khắc phục thiệt hại do mưa bão năm 2018.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao mô hình trồng bưởi tập trung, ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP ở xã Nam Phương Tiến. Đồng chí cũng chia sẻ khó khăn với huyện Chương Mỹ. “Địa bàn rộng, dân số đông, 2 năm gần đây huychịu thiệt hại lớn về thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh. Dù còn khó khăn nhưng huyện đã quan tâm hỗ trợ cho các mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi đánh giá cao các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: Trồng rau an toàn ở thị trấn Chúc Sơn, trồng bưởi ở xã Nam Phương Tiến...” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị. |
Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, với tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 1,23%, thu nhập bình quân đạt 43 triệu đồng/người/năm; 100% xã, thị trấn duy trì chuẩn quốc gia về y tế; 86% hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa... là những kết quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên, huyện cần quan tâm hơn đến công tác vệ sinh môi trường.
Về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu huyện Chương Mỹ tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. “Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, huyện cần triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; lập vành đai chống dịch; chuẩn bị tốt vật tư phục vụ lấy mẫu, tiêu hủy lợn bệnh. Khi tiêu hủy ở những đàn lợn lớn, có thể thuê máy móc hỗ trợ để người chống dịch đỡ vất vả. Tôi hoan nghênh xã Lam Điền đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chưa để dịch bệnh lọt vào trang trại” - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
Ngoài ra, huyện Chương Mỹ cần hướng dẫn, khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng những biện pháp an toàn sinh học; chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để bảo đảm nguồn thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Đối với việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện cần làm tốt công tác tuyên truyền; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao... Đối với xây dựng nông thôn mới, duy trì thành tích ở các xã đã đạt chuẩn; tập trung chỉ đạo 5 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019 và 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao; đẩy nhanh tiến độ các dự án huyện làm chủ đầu tư nhằm sớm hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.