Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuồn chuồn tre cất cánh

Tư Văn| 25/03/2012 04:54

(HNM) - Chỉ còn mấy ngày nữa là đến lễ hội chùa Tây Phương (6 tháng Ba âm lịch) nhưng từ dưới cổng và dọc quãng đường hơn 200 bậc đá ong dẫn lên chùa, chuồn chuồn tre đủ các màu sắc được bày bán nhiều hơn tại các gian hàng lưu niệm.

Dân làng Yên (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) luôn tự hào quê hương mình có ngôi chùa Tây Phương nổi tiếng và có món chè lam, bánh tẻ đặc sản, nay lại thêm món hàng thủ công chuồn chuồn tre độc đáo làm quà tặng cho du khách.

Người dân làng Yên, xã Thạch Xá luôn tự hào có ngôi chùa Tây Phương. Ảnh: Linh Ngọc

Thực ra làng Yên có nghề truyền thống đan thúng, quạt nan từ xưa, còn nghề làm chuồn chuồn tre mới xuất hiện khoảng 10 năm nay. Lấy hình ảnh con chuồn chuồn quen thuộc, người nông dân làng Yên đã sử dụng chất liệu tre tự nhiên sáng tạo ra loại đồ chơi mới lạ. Những bàn tay quen vót nan đan thúng của người làng Yên không mấy khó khăn khi chuyển sang vót tre để tạo ra các chú chuồn chuồn tre ngộ nghĩnh. Anh Nguyễn Văn Tái, người có kinh nghiệm sản xuất chuồn chuồn tre ở làng Yên cho hay, sản xuất mặt hàng này đòi hỏi người thợ thủ công phải chú tâm, yêu nghề và có kinh nghiệm. Để một con chuồn chuồn tre có thể đứng được bằng miệng phải có những cảm nhận tinh tế của bàn tay, cách vót nan tre hai bên sao cho cân xứng. Một con chuồn chuồn bằng tre không có chân, với sải cánh dài, vậy mà chỉ cần đặt cái miệng nhỏ của nó lên đầu ngón tay, đầu đũa... nó sẽ tự đậu được, dù xoay đầu đũa, ngón tay ngả nghiêng thế nào đi nữa, chuồn chuồn tre chỉ nghiêng cánh theo, vẫn giữ được thăng bằng, không bị ngã.

Đa số tre làm chuồn chuồn ở làng Yên là tre bánh tẻ (không già, không non), đốt dài, được mua về từ các tỉnh miền núi Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai... Sau khi cạo tinh (lớp vỏ xanh bên ngoài), tre được phơi 5-6 ngày để xử lý ẩm mốc, sau đó tùy theo việc sản xuất chuồn chuồn theo cỡ nào mà vót, chẻ nan tre tương ứng. Thông thường, thợ thủ công làng Yên làm chuồn chuồn tre có độ dài phần thân 18, 15, 12cm. Để giữ chuồn chuồn đậu thăng bằng, người thợ thủ công phải tính toán rất cẩn thận đến từng milimét chiều dài, rộng của thân và cánh chuồn chuồn. Phần cánh sau khi được gắn keo thành từng đôi sẽ trở thành phần thăng bằng cho chuồn chuồn. Anh Đỗ Văn Liên, một chủ cơ sở sản xuất chuồn chuồn tre ở làng Yên cho biết, công đoạn khó nhất chính là ở phần thân chuồn chuồn, máy móc cũng không thể làm được, phải là thợ có kinh nghiệm, kiểm tra bằng tay. Sau khi lắp ráp xong, phải cho chuồn chuồn đậu thử bằng miệng lên đầu một chiếc đũa hoặc ngón tay, nếu cân bằng thì người thợ mới gắn keo cố định cánh vào thân. Khi đã thành hình con chuồn chuồn, công đoạn tiếp theo là sơn và vẽ màu trang trí. Trung bình, mỗi ngày công lao động của thợ làm chuồn chuồn tre từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng/người. Giá thành một con chuồn chuồn tre tại xưởng, tùy từng loại dao động 2.000-4.000 đồng. Ngộ nghĩnh, độc đáo, giá cả phải chăng, chuồn chuồn tre làng Yên đã nhanh chóng được nhiều khách hàng khắp trong và ngoài nước ưa chuộng.

Bay ra khỏi lũy tre làng, chuồn chuồn tre làng Yên với dáng hình độc đáo, sắc màu rực rỡ mang đậm dấu ấn của làng quê Việt Nam thanh bình bước đầu đã sang Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc... Mỗi năm, các gia đình như hộ anh Nguyễn Văn Tái, Nguyễn Văn Đính, Đỗ Văn Liên... sản xuất hàng chục vạn con chuồn chuồn tre bán khắp trong Nam, ngoài Bắc và xuất khẩu hàng vạn sản phẩm ra nước ngoài. Chị Nguyễn Thị Minh, một thợ thủ công khẳng định, nghề làm chuồn chuồn tre đang góp phần làm cho dân làng Yên ngày một giàu đẹp hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuồn chuồn tre cất cánh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.