Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn: Người tiêu dùng vẫn thiếu thông tin

Ngọc Quỳnh| 31/12/2015 07:05

(HNM) - Do sự phối hợp giữa các bên chưa chặt chẽ về cung cấp thông tin sản phẩm cũng như cơ sở sản xuất nên khó truy xuất nguồn gốc.



Tuy nhiên, do sự phối hợp giữa các bên chưa chặt chẽ về cung cấp thông tin sản phẩm cũng như cơ sở sản xuất nên khó truy xuất nguồn gốc. Đây là những nội dung được thảo luận trong hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội năm 2015, được tổ chức ngày 30-12.

Nhiều loại rau sạch từ các địa phương được bày bán tại siêu thị. Ảnh: Phương An


Hiệu quả chưa cao

Năm 2015, số gia súc, gia cầm từ các tỉnh nhập về Hà Nội khoảng 5 triệu con và từ Hà Nội đi các tỉnh khoảng 35 triệu con. Tuy nhiên, việc cung cấp thực phẩm theo chuỗi giữa các bên vẫn còn một số bất cập như chưa xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát; thông tin về các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản do các tỉnh cung cấp luôn thay đổi, cập nhật không kịp thời nên khó khăn cho công tác quản lý...

Nói về những trở ngại này, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam cho biết, trong năm 2015, các sản phẩm rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống bán tại hệ thống siêu thị Fivimart tăng trưởng 200% so với năm 2014. Do người dân chưa thay đổi được tập quán sản xuất và không có thói quen trong đóng gói, bao tiêu sản phẩm; dụng cụ thu gom sản phẩm chưa đạt yêu cầu; quy trình chăm sóc và bảo quản sản phẩm chưa tốt... nên nhiều loại rau, củ, quả khi cung cấp công ty phải trả về dẫn tới chi phí đầu vào tăng cao. Ngoài ra, nhiều cơ sở có Giấy chứng nhận VietGAP hết thời hạn chưa được cấp lại nên vào vụ thu hoạch công ty không thể mua hàng. Điều này xảy ra tình trạng siêu thị không có hàng để bán dẫn tới mất khách và nông dân tồn nhiều hàng không bán được gây thiệt hại về kinh tế.

Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam cho rằng, sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh đưa về Hà Nội, bán trong chuỗi cửa hàng của công ty nhìn chung bảo đảm chất lượng, nhưng các tỉnh chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung nên số lượng đơn hàng nhiều khi chưa đáp ứng yêu cầu. Thêm nữa, các vùng sản xuất của các tỉnh chưa xây dựng được thương hiệu, tem nhãn nhận diện sản phẩm gây khó cho việc truy xuất nguồn gốc khi xảy ra sự cố mất an toàn.

Truyền thông chưa tốt

Tại hội nghị, các DN đã đề nghị, Nhà nước cần hỗ trợ cho DN trong xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm để giảm bớt khâu trung gian, tăng giá bán tại nơi sản xuất và giảm giá bán ở chợ, siêu thị... Bàn về những vấn đề trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, để chuỗi cung cấp rau, thịt từ các tỉnh, thành phố về Thủ đô đạt hiệu quả cao, thời gian tới Hà Nội sẽ phối hợp trong công tác tư vấn hoàn thiện nhận biết chuỗi sản phẩm an toàn, tăng cường kiểm tra, phân tích chất lượng; tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua Sàn giao dịch rau, củ, quả, thịt của Hà Nội; thông tin thường xuyên kịp thời cho các tỉnh, thành phố những DN có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ưu thế của địa phương để cơ sở sản xuất kết nối trực tiếp với DN.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, thời gian qua, Hà Nội và các tỉnh đã kết nối được với nhau trong việc đưa DN phân phối đến trực tiếp hộ sản xuất. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa làm được việc công bố những cơ sở sản xuất an toàn, địa chỉ mua hàng cụ thể ở đâu cho người tiêu dùng biết. Hiện nay, Hà Nội có 5.000ha rau an toàn và sản phẩm của các tỉnh đưa về được kiểm soát, nhưng người dân vẫn chưa biết mua hàng ở đâu để bảo đảm chất lượng và đây là hạn chế cần phải thay đổi ngay.

Cũng theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải tạo mọi điều kiện, giải quyết vướng mắc cho DN trong liên kết chuỗi rau, thịt giữa Hà Nội với các tỉnh. Ngoài những quy định chung trong sản xuất an toàn và bán sản phẩm, Hà Nội cần có yêu cầu riêng để thực sự trở thành thị trường nông sản an toàn cho các địa phương đưa về; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng, nếu phát hiện đơn vị nào không đạt, cần tịch thu giấy phép kinh doanh, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn: Người tiêu dùng vẫn thiếu thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.