Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chúng tôi là thương hiệu của người Việt, do người Việt xây dựng và vì người Việt phục vụ

Đặng Loan| 07/12/2014 05:52

(HNM) - Theo cam kết khi gia nhập WTO, bắt đầu từ năm 2015 Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Điều đó sẽ tạo điều kiện cho các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia tham gia vào thị trường Việt Nam nhiều hơn, khiến các doanh nghiệp nội chịu nhiều thách thức cạnh tranh.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), xung quanh các vấn đề này.

Ông Nguyễn Anh Đức.


Thách thức là động lực để phát triển

- Các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia hiện diện tại thị trường Việt Nam đang không ngừng mở rộng quy mô, trong khi đó nhiều tập đoàn bán lẻ lớn khác cũng cho biết sẽ chọn Việt Nam để đầu tư. Ông đánh giá như thế nào về những thách thức của doanh nghiệp (DN) nội khi có nhiều nhà bán lẻ xuyên quốc gia cùng tham gia?

- Thế mạnh của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài so với DN bán lẻ trong nước là vốn, công nghệ, mức độ chuyên nghiệp và đặc biệt là hệ thống chuỗi xuyên quốc gia rất mạnh. Với hệ thống bán lẻ, quy mô phát triển chuỗi đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là sự kết nối liên thị trường quốc tế sẽ bù đắp, hỗ trợ cho nhau. Tuy vậy, khách quan mà nói thì bên cạnh thách thức, việc đầu tư của các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam ở chừng mực nào đó cũng mang lại các lợi ích: Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn; các nhà bán lẻ Việt Nam có động lực để học tập, phấn đấu nhiều hơn trong thị trường mới; các nhà quản lý có điều kiện để hoàn thiện các chính sách cho thị trường; và ngoài ra, kết nối chung với thị trường bán lẻ cũng thúc đẩy nhiều ngành khác liên quan như sản xuất, dịch vụ… cùng phát triển đi lên.

- Khi tham gia cạnh tranh trên sân nhà, theo ông thì DN Việt Nam có những lợi thế gì?

- Thế mạnh của các DN nội địa là hiểu rõ thị trường Việt Nam, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng trong nước. Do đã có nền tảng hoạt động lịch sử nên các DN Việt Nam cũng có sự kết nối cơ bản ban đầu với các hoạt động liên quan như sản xuất, cung ứng dịch vụ, đối tác… tốt hơn so với các DN nước ngoài mới tham gia thị trường. Bên cạnh đó, các DN nội địa còn có sự ủng hộ của người tiêu dùng cũng như của các cơ quan, tổ chức trong nước.

- Chính sách của Nhà nước có hỗ trợ cho các DN nội địa, thưa ông?

- Ở cấp vĩ mô có nhiều chính sách để phát triển thị trường bán lẻ, khuyến khích DN trong nước, nhưng có lẽ cần mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện để DN nắm bắt cơ hội phát triển. Nhiều chương trình phát huy rất tích cực trong thời gian qua cần được duy trì và phát huy, chẳng hạn cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu… đã và đang tăng sức cạnh tranh cho thị trường nội địa, DN trong nước. Những chính sách, chương trình hành động, công cụ kích cầu của Nhà nước thời gian qua cũng tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển bền vững.

Cần phát huy yếu tố sáng tạo và linh động

- Như ông đã nói, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có thế mạnh về vốn, công nghệ, mức độ chuyên nghiệp và hệ thống chuỗi. Để cạnh tranh, các DN Việt Nam nên khắc phục các điểm yếu trên như thế nào?

- Các DN bán lẻ nội địa cần vận dụng những điểm thuận lợi như tôi vừa đề cập trên để cạnh tranh với các nhà bán lẻ lớn. Lưu ý rằng, cần phát huy yếu tố sáng tạo và linh động để cạnh tranh với kinh nghiệm và quy mô của các nhà bán lẻ nước ngoài. Đồng thời, các DN bán lẻ nội địa cần chú trọng tập trung khai thác những phân khúc dựa trên năng lực cốt lõi của mình.

- Hiện nay, các tập đoàn nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cũng nhanh chóng mở các cửa hàng tiện lợi để “phủ sóng” thị trường? Vậy, liệu những thị trường nhỏ, thị trường ngách của các DN Việt Nam cũng sẽ bị các nhà phân phối nước ngoài chiếm lĩnh?

- Trong ngành bán lẻ thì yếu tố mạng lưới và đa dạng hóa các mô hình phân phối là mục tiêu hàng đầu và DN nào cũng muốn có được mạng lưới rộng nhất với nhiều mô hình bán lẻ nhất. Mỗi mô hình có nguyên lý quản lý và phương thức điều hành hoạt động khác nhau để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. DN Việt cũng cần phải nhanh chóng học tập các mô hình bán lẻ theo đúng xu hướng phát triển để triển khai trong tương lai gần.

- Trong bán lẻ thì mặt bằng là yếu tố quan trọng. Có một số ý kiến cho rằng, nhiều địa phương, do chủ trương thu hút vốn FDI nên đã tạo điều kiện tốt hơn so với các DN trong nước. Là người trực tiếp thực hiện, ông có thấy điều này?

- Tôi tin rằng, tuyệt đại đa số các địa phương ưu tiên DN Việt Nam, tạo điều kiện để DN địa phương phát triển dù cũng có một số vấn đề ở địa phương này hay địa phương khác. Có nhiều yếu tố liên quan đến quyết định giao đất của địa phương. Chẳng hạn, chính sách đất đai giao đất thu tiền một lần hay thuê đất nộp tiền hằng năm cũng tác động rất lớn đến quyết định giao đất của địa phương. Những DN nước ngoài có nhiều vốn sẽ có điều kiện hơn để thực hiện nộp tiền thuê đất một lần trong khi các cấp quản lý tại địa phương luôn mong muốn giữ lại ngân sách cho địa phương phát triển nên họ có lợi thế hơn. Bên cạnh đó, bản thân các DN Việt Nam cũng phải chứng tỏ khả năng trong hoạt động của mình vì địa phương tất nhiên mong mỏi có được DN phục vụ tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân tốt hơn tại địa phương mình.

- Theo ông, hiện chính sách với thị trường bán lẻ đã đủ để hỗ trợ các DN Việt Nam chưa?

- Trước kia, những chính sách vĩ mô đưa kinh tế vượt qua khó khăn tập trung nhiều vào góc độ sản xuất hơn là với nhà phân phối và bán lẻ. Thời gian qua đã có một số thay đổi, chẳng hạn như những điều kiện tín dụng đối với tiêu dùng, nhà ở được nới rộng đã kích thích người tiêu dùng cá nhân chi tiêu. Điều này cũng thể hiện qua khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường độc lập trong quý III-2014 vừa qua, chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam đã vươn lên ở mức khá cao trong khu vực Đông Nam Á thay vì thuộc dạng thấp trong thời gian trước đó. Vừa qua, việc ban hành quy hoạch mạng lưới thương mại cũng như xác định rõ mục tiêu trong kế hoạch dài hạn cũng góp phần giúp DN định hướng tốt hơn. Những điều đó kích thích thị trường bán lẻ phát triển.

Tiếp tục duy trì chính sách ủng hộ hàng Việt

- Saigon Co.op có ngại cạnh tranh với các “ông lớn” bán lẻ khi họ tham gia thị trường Việt Nam không, thưa ông? Saigon Co.op đã chuẩn bị gì cho chiến lược cạnh tranh này?

- Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để cạnh tranh. Hiện Saigon Co.op có 72 siêu thị Co.opmart, 86 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, 1 đại siêu thị Co.opXtra, 1 trung tâm thương mại Sense City, 1 mô hình kinh doanh thông qua truyền hình HTV Co.op, hơn 150 cửa hàng Co.op. Sự đa dạng hóa về mô hình bán lẻ sẽ tương ứng với phân khúc khách hàng khác nhau, giúp Saigon Co.op “phủ” đến nhiều góc của thị trường. Đa dạng hóa mô hình và đẩy mạnh phát triển mạng lưới là hai công tác chiến lược của Saigon Co.op nhằm phục vụ khách hàng theo chiều sâu bằng nhiều phương thức khác nhau. Saigon Co.op cũng hoạch định những chính sách về cấu trúc hệ thống, nguồn nhân lực, tài chính và công nghệ để thực hiện chiến lược trên, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Saigon Co.op tiếp tục thực hiện các hoạt động ủng hộ hàng Việt thông qua thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, cùng những hoạt động hướng đến cộng đồng và xã hội.

- Cuối năm 2015, khi khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức được hình thành thì hàng loạt các mặt hàng giảm thuế sẽ tràn vào thị trường. Điều đó có ảnh hưởng đến các chính sách ủng hộ hàng Việt của Saigon Co.op?

- Điều này không ảnh hưởng gì đến sự ủng hộ mạnh mẽ của Saigon Co.op đối với hàng Việt. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì những chính sách ủng hộ hàng Việt thông qua những hoạt động đa dạng, phong phú, đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng trong nước và vươn ra thị trường thế giới với sự tận tâm của tập thể cán bộ nhân viên Saigon Co.op.

- Với định hướng tiêu dùng hàng Việt, theo ông thì các nhà sản xuất trong nước phải làm gì để không bị mất thị trường vào “tay” DN nước ngoài?

- Hiện nay, hàng loạt các Hiệp định thương mại đang đến thời hiệu thực thi như WTO, các cam kết khu vực mậu dịch tự do ASEAN và các cam kết đa phương, song phương khác… trong khi thị trường và DN trong nước cần có sự chuẩn bị kỹ càng và đồng bộ hơn. Ngay từ khâu sản xuất, chúng ta cần quy hoạch chi tiết trong tổng thể chuỗi giá trị chung và nâng cao tính định hướng đối với các thực thể sản xuất kinh doanh. Mặt khác, sản xuất của Việt Nam cần tập trung hơn ở đầu nguồn và thượng tầng trong chuỗi giá trị thay vì chỉ ở khâu sản xuất gia công, đầu tư công nghiệp hỗ trợ cũng cần có tương xứng hơn. Hiện người tiêu dùng có thể ủng hộ hàng Việt thông qua cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng bản chất cốt lõi là sản xuất phải phát triển để có hàng hóa đủ chất lượng, bảo đảm quy cách, hình thức phù hợp, nguồn cung ổn định thì mới cạnh tranh bền vững với hàng ngoại nhập.

- Bản thân Saigon Co.op với định hướng tiêu dùng hàng Việt đã hỗ trợ DN Việt như thế nào?

- Saigon Co.op đang tích cực thực hiện việc kết nối giữa nhà phân phối và nhà sản xuất. Chúng tôi hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các HTX về vốn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm để nhà sản xuất yên tâm làm ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong nhiều tác nghiệp đặc thù, các nhà cung ứng Việt Nam cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Saigon Co.op. Saigon Co.op không chỉ là nhà phân phối tiêu thụ hàng Việt trong nước mà còn là đầu mối xuất khẩu hàng Việt đến một số thị trường các nước phát triển thông qua mối quan hệ hợp tác của đơn vị.

- Saigon Co.op vừa xuất sắc nhận giải Vàng nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam và là nhà bán lẻ duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng Best of the best - Nhà bán lẻ xuất sắc tiêu biểu nhất của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2014 do Tạp chí bán lẻ Châu Á - Retail Asia Publishing bình chọn. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động kinh doanh của Saigon Co.op?

- Đã nhiều năm liền, Saigon Co.op giữ danh hiệu là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Năm nay, Saigon Co.op còn vinh dự được nhận giải thưởng “Best of the best” - Nhà bán lẻ xuất sắc tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương. Saigon Co.op là doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đầu tiên đạt được giải thưởng uy tín này. Giải “Best of the best” được xét chọn dựa trên 4 tiêu chí: Doanh thu, mức tăng trưởng, trách nhiệm xã hội, năng lực cạnh tranh và chiến lược kinh doanh dài hạn. Theo quy định, mỗi năm sẽ bình chọn 10 DN nhưng năm nay chỉ có 7 DN đủ tiêu chuẩn đạt giải. Việc đạt 2 giải thưởng quốc tế kể trên, đặc biệt là giải “Best of the best” đồng thời cũng khẳng định uy tín của Saigon Co.op trên thị trường quốc tế.

- Đi lên từ một HTX thương mại từ thời kỳ bao cấp cho đến khi trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam trong 11 năm liên tục và lọt Top 10 nhà bán lẻ xuất sắc tiêu biểu nhất của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ông nghĩ yếu tố nào lớn nhất làm nên thành công này?

- Nỗ lực tạo ra sự khác biệt trong hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng từ chính cái tâm của mỗi cán bộ nhân viên; giữ vững bản sắc của tổ chức HTX là yếu tố hàng đầu để Saigon Co.op đạt được những kết quả như ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ luôn duy trì những giá trị tốt đẹp đó với tinh thần một thương hiệu do người Việt xây dựng, của người Việt và vì người Việt phục vụ.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chúng tôi là thương hiệu của người Việt, do người Việt xây dựng và vì người Việt phục vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.