(HNM) - Nhằm góp phần nâng cao chất lượng tờ báo của Đảng bộ TP Hà Nội, từ năm 2011 đến nay, Báo Hànộimới đã tổ chức thành công ba cuộc thi viết
Trong không khí Thủ đô Hà Nội và cả nước đang tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, chiều 18-5, Báo Hànộimới đã tổng kết, trao giải cuộc thi viết "Mỗi ngày một chuyện" lần thứ ba và tiếp tục phát động cuộc thi viết lần thứ tư, góp phần xây dựng Hà Nội xanh - sạch - đẹp.
Tác động tích cực đến đời sống xã hội
Trong thời gian tổ chức cuộc thi lần thứ ba, Ban Tổ chức (BTC) đã nhận hơn 400 bài của gần 100 tác giả, qua đó lựa chọn, đăng tải gần 200 bài. Các tác phẩm dự thi được chọn đăng đều ngắn gọn, thể hiện tính khách quan, chân thực. Nhiều bài viết đã biểu dương kịp thời những việc làm tốt, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Qua chuyên mục, với bút danh Người Xây Dựng, nhiều bài dự thi đã phát hiện, biểu dương những tấm gương "Người tốt, việc tốt". Đó còn là những con người, với những việc làm giản dị, đời thường nhưng đã có tác động tích cực tới đời sống xã hội...; hay những cán bộ, công chức, viên chức mẫn cán; những chiến sĩ công an đang ngày đêm vì sự bình yên của cuộc sống...
Đó là những bệnh nhân tự quyên góp tiền ủng hộ một nhân viên vệ sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong bài "Nghĩa cử cao đẹp"; hay nhóm thanh niên 9X tự nguyện nấu cơm, phát nước, sữa, bánh miễn phí cho người nghèo, vô gia cư, trong bài "Gieo mầm thiện"; hay một người phụ nữ tật nguyền, nhưng vẫn đóng góp và vận động mọi người quyên góp ủng hộ nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn cả nước, trong bài "Xứng danh người Tràng An"... Cũng phải kể đến tấm gương một Trung tá CSGT không quản ngại nguy hiểm đến tính mạng, dù bị thương nhưng vẫn dũng cảm khống chế thành công đối tượng có hành vi gây nguy hại cho cộng đồng, trong bài "Vì dân quên mình". Bạn đọc hẳn không quên anh cán bộ Ban Thương binh - Xã hội phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) luôn được người dân tin yêu, đánh giá cao bởi tinh thần làm việc mẫn cán, chu đáo nhiệt tình..., trong bài "Cán bộ phải như thế"...
Với lối viết cụ thể, sinh động, các bài viết dù ngắn gọn, vẫn giàu sức thuyết phục và có ý nghĩa xã hội cao, góp phần biểu dương, giáo dục cộng đồng thiết thực. Bên cạnh đó, nhiều bài viết thể hiện rõ tinh thần đấu tranh, phê bình thẳng thắn những thói hư, tật xấu trong thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, cơ quan chức năng ở các ngành, các cấp… Đặc biệt, chuyên mục "Mỗi ngày một chuyện" đã có những bài viết phát hiện, phê phán những vi phạm về trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, góp phần cùng cán bộ, nhân dân Thủ đô hưởng ứng thực hiện "Năm trật tự, văn minh đô thị". Nhiều bài viết đã được cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết kịp thời được bạn đọc đánh giá cao.
Tiếp thêm sự sinh động của một chuyên mục
Trong ba cuộc thi viết "Mỗi ngày một chuyện" vừa qua, BTC đều nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan chức năng của thành phố, của các nhà tài trợ, đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia của các cây bút chuyên và không chuyên trên địa bàn cả nước. Tác giả Đoàn Trúc Quỳnh, người đoạt giải Nhất với tác phẩm "Cán bộ phải như thế" xúc động nói: Tôi rất vui vì bài viết của mình đã góp phần phản ánh những mặt tích cực của đời sống. Hy vọng nhân vật như trong bài viết của tôi sẽ trở thành phổ biến trong đời sống xã hội...
Tiếp nối sự thành công của ba cuộc thi trước, Báo Hànộimới tiếp tục phát động cuộc thi viết "Mỗi ngày một chuyện" lần thứ tư 2016-2017. BTC hy vọng rằng, cuộc thi lần thứ tư này vẫn sẽ tiếp tục thu hút được nhiều cây bút trên mọi miền của Tổ quốc, với các bài viết chất lượng cao. Mục tiêu xuyên suốt của cuộc thi là quy tụ cộng đồng chung tay xây dựng một Thủ đô giàu đẹp, văn minh và hiện đại, một Hà Nội xanh - sạch - đẹp...
Phát biểu bế mạc buổi lễ, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long - Trưởng BTC cuộc thi đã cảm ơn các cơ quan hữu quan, các tác giả, các nhà tài trợ... đã tích cực hưởng ứng cuộc thi, đồng thời khẳng định: Thành công của cuộc thi không chỉ thể hiện qua hơn 400 tác phẩm, trong đó 21 bài viết được nhận giải, mà nằm trong chiều sâu hàng trăm, hàng nghìn tấm lòng, trách nhiệm của đông đảo người dân Hà Nội cùng trăn trở trước sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Đó là làm sao khơi dậy truyền thống của mảnh đất nghìn năm văn hiến, là chân tình góp ý cho nhau để sửa đổi những việc làm, hành vi chưa đẹp. Tất cả cùng chung mục tiêu quan trọng góp phần xây dựng con người Thủ đô văn minh - thanh lịch - hiện đại, góp phần xây dựng Hà Nội xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước.
Ban Tổ chức đã trao: Giải nhất cho tác phẩm "Cán bộ phải như thế" của tác giả Đoàn Trúc Quỳnh; 2 giải nhì: "Các anh xứng đáng được nhận" của tác giả Cấn Thị Hằng và "Cán bộ đi đâu" của tác giả Vũ Minh Thúy; 3 giải ba cho các tác phẩm "Cô Tấm của Ngách 20" của tác giả Vũ Ngọc Lân, "Nghĩa cử cao đẹp" của Lê Tấn Hiển, "Vì dân quên mình" của Dương Hiệp; cùng 15 giải khuyến khích. Ngoài ra, BTC đã trao tặng ông Lê Tấn Hiển, tác giả có nhiều bài dự thi được đăng nhất (31 tác phẩm), Hội Nhà báo TP Hà Nội trao tặng ông Bùi Huy Hùng (86 tuổi) là tác giả cao tuổi nhất có bài tham dự cuộc thi. BTC cũng tặng Giấy khen cho anh Bùi Thanh Tuấn, nhân vật điển hình trong tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.