(HNMCT) - Sự xuất hiện của “cây ATM sách” miễn phí đầu tiên ở Hà Nội, có lẽ cũng là đầu tiên trên thế giới, cách đây vài ngày đã thu hút được sự quan tâm, tán thưởng của dư luận.
Có thể nói, sáng kiến của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thái Hà Books Nguyễn Mạnh Hùng với mong muốn chia sẻ về mặt tinh thần cho những người có hoàn cảnh khó khăn, cung cấp kiến thức giúp họ thoát nghèo bền vững, qua đó lan tỏa văn hóa đọc - một lần nữa cho thấy khả năng sáng tạo và đặc biệt là tinh thần chung tay vì cộng đồng của người Việt Nam.
Sau 5 tháng kể từ ca nhiễm đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), dịch Covid-19 đã trở thành “siêu bão” càn quét tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, với hơn 3 triệu người mắc vi rút SARS-CoV-2, con số tử vong là gần 220.000 người (tính đến cuối tháng 4 vừa qua). Vi rút viêm đường hô hấp chủng mới đã gây ra một cuộc khủng hoảng “vô tiền khoáng hậu” trên toàn cầu, ở tất cả mọi lĩnh vực, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của hàng tỷ người.
Còn ở Việt Nam, tính đến ngày 28-4 nước ta mới có 270 ca mắc Covid-19, trong đó có 222 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và đặc biệt là chưa có trường hợp nào tử vong do vi rút SARS-CoV-2. Có thể nói, mặc dù nguồn lực còn nhiều hạn chế nhưng công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Dư luận quốc tế cũng đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của Việt Nam, đơn cử như tuần báo L’Obs (Pháp) đã khẳng định "Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu", hay trang điện tử www.weforum.org của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) coi Việt Nam như “ngọn hải đăng” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19… Không chỉ đánh giá cao sự chủ động, vào cuộc ngay từ đầu với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của cả hệ thống chính trị, nhiều bài báo, kênh truyền hình quốc tế còn ca ngợi tinh thần đoàn kết, chung tay, đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc chống dịch của người dân Việt Nam.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hàng nghìn tỷ đồng cùng nhiều hiện vật, trang thiết bị y tế… đã được quyên góp, chuyển đến tuyến đầu chống dịch, đồng thời hỗ trợ, chia sẻ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là gói hỗ trợ trị giá 62 nghìn tỷ đồng đã được ban hành, hướng tới 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng nhằm “chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội” theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ.
Đồng hành cùng Chính phủ, ngay từ đầu dịch, nhiều doanh nghiệp đã tài trợ máy móc, vật tư, thiết bị y tế; nhiều nghệ sĩ đứng ra kêu gọi quyên góp những khoản tiền lớn để hỗ trợ người nghèo… Những “cây ATM gạo”, “ATM mì tôm”, “ATM trứng”, và bây giờ là “ATM sách”, được triển khai ở cả những thành phố lớn cho đến những bản làng xa xôi, cho thấy sự chủ động vào cuộc của cả cộng đồng xã hội chung tay chia sẻ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ vì “nghĩa đồng bào” mà nhiều người nước ngoài đang sinh sống hoặc du lịch ở Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ chí tình, thậm chí ở xứ người, cộng đồng người Việt Nam đã ủng hộ thiết bị y tế hoặc tổ chức may khẩu trang - thứ hàng hóa quý giá, thiết thực ở thời điểm này - rồi mang tặng các bệnh viện hay phát miễn phí ở địa điểm công cộng… Nhiều người nước ngoài đã bày tỏ ngạc nhiên, cảm kích trước ứng xử của người Việt Nam. Trong cơn hoạn nạn, thay vì lo nghĩ đến bản thân thì người Việt Nam lại dành sự quan tâm, chăm sóc đến người khác.
Trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch Covid-19, tinh thần chung tay vì cộng đồng, “tương thân, tương ái” - truyền thống tốt đẹp có từ ngàn đời của dân tộc, lại được khơi dậy, bùng lên thành ngọn lửa lan tỏa ánh sáng nhân văn, nhân ái, khiến ai chứng kiến cũng đều thấy ấm lòng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.