Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay kiến tạo thành phố đáng sống: Tạo cơ hội để người dân cùng thực hiện

Hạ Yến| 10/04/2022 05:20

(HNMCT) - “Thành phố là một tuyệt tác tập thể” mà mỗi người dân sống trong thành phố là một sắc màu trong bức tranh ấy. Hãy trao cơ hội để người dân được cất tiếng, khuyến khích ý tưởng và cùng đồng hành thực hiện với chính quyền trong kiến tạo thành phố. Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp xã hội về chủ đề này.

PGS.TS Phạm Thúy Loan (Viện Kiến trúc Quốc gia):
Điều quan trọng nhất là gắn kết cộng đồng

Mục tiêu trong lĩnh vực quy hoạch đô thị là tạo dựng môi trường sống tốt cho tất cả mọi người trong thành phố. Nhưng, thực tế cho thấy còn rất nhiều điều chưa thực hiện được. Trong quy hoạch, chúng tôi luôn đặt ra vấn đề con người, tuy nhiên, con người trong bài toán quy hoạch theo lối tư duy truyền thống thì đó là những con số. Chúng tôi "đồng hóa" con người vào con số, từ đó đưa ra các tiêu chuẩn đồng dạng cho tất cả mọi người. Và đó có lẽ cũng chính là một khiếm khuyết lớn vì thành phố là một tập hợp rất nhiều nhóm người đa dạng, trong đó có nhóm người không có điều kiện tốt nhất trong xã hội, họ sống dựa vào đô thị, đóng góp cho tiến trình phát triển đô thị nhưng có thể không được hưởng những tiêu chuẩn theo đúng chuẩn mà lĩnh vực quy hoạch chúng tôi quan niệm. Như vậy, các tiêu chuẩn thiết kế của chúng ta cần xem xét lại, làm sao đó để các tiêu chuẩn ấy có thể tiếp cận được với nhiều nhóm đối tượng hơn, trở nên gần gũi, phù hợp hơn.

Khác với phương pháp truyền thống là đi từ trên xuống khi quy hoạch đô thị (từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương rồi đến người dân), phương pháp tiếp cận từ dưới lên với các dự án cộng đồng cho thấy hiệu quả trong việc huy động sự đóng góp của người dân. Ở đây, vai trò chính quyền không nhiều bằng vai trò cộng đồng. Cộng đồng là trung tâm, cộng đồng là chủ thể chính, cộng đồng tham gia với sự hỗ trợ của các tổ chức, các nhà tài trợ thì chúng ta có được tiến trình cùng làm. Tiến trình này có thể tạo ra những sản phẩm không theo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng lại thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân, như được “may đo” cho các cộng đồng. Đây là hai cách tiếp cận trái ngược nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta đều cần cả hai để bổ khuyết, hòa vào nhau tạo thành một tổng thể mà nếu chúng ta làm tốt thì sẽ tạo thành một cơ chế tuyệt vời để cùng kiến tạo thành phố.

Cách tiếp cận từ dưới lên được gọi là “kiến tạo nơi chốn”, đặc biệt tập trung vào không gian công cộng. Điều quan trọng nhất của kiến tạo nơi chốn không phải là cái đích của không gian được tạo ra đẹp hay tốt mà chính là quá trình hàn gắn, gắn kết cộng đồng. Trong phương pháp kiến tạo nơi chốn thì sản phẩm không gian, con người, cộng đồng, tiến trình là nhất thể, không thể tách ra được. Qua nhất thể này, con người trở nên gắn bó với môi trường sống của mình hơn, gắn bó với cộng đồng, với thành phố của mình hơn, từ đó có nhiều trách nhiệm hơn, nhiều tình yêu thương hơn.

Ông Vũ Văn Toàn (doanh nghiệp xã hội ECUE, thành viên của dự án Photovoice):
Lao động nhập cư đóng góp cho sự phát triển thành phố

Lao động nhập cư là một phần của thành phố và đang đóng góp cho sự phát triển thành phố nhưng dường như họ lại ít có cơ hội được cất tiếng. Photovoice là dự án nhiếp ảnh khắc họa Hà Nội qua góc nhìn của người lao động nhập cư. Dự án này ra đời để tạo ra cơ hội cho họ được lên tiếng nói về mối quan hệ của họ với thành phố, góc nhìn của họ về thành phố thông qua những bức hình chân thực, sinh động, tự nhiên.

34 người tham gia dự án đến từ 15 tỉnh, thành phố khác nhau, bao gồm cả dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số, độ tuổi phong phú từ 19 - 65, làm nhiều công việc khác nhau: Xe ôm công nghệ, nhân viên vệ sinh tòa nhà, bán hàng rong... Hơn 1.500 bức ảnh đã được chụp, kể những câu chuyện về con người, về môi trường, văn hóa, ẩm thực, giao thông... Qua những bức ảnh và câu chuyện của những người tham gia dự án, chúng ta thấy sự kết nối của người lao động nhập cư với Hà Nội khá chặt chẽ và điều đó được thể hiện qua công việc hằng ngày của họ. Rất nhiều lao động nhập cư thức khi thành phố đang ngủ, là những người đánh thức thành phố. Sự quan tâm, gắn bó với công việc của lao động nhập cư thể hiện sự quan tâm, gắn bó của họ với Hà Nội.

Những câu chuyện từ Photovoice cho thấy thành phố là một tuyệt tác tập thể. Tuyệt tác ấy được tạo từ mảnh ghép quan trọng là những người lao động nhập cư. Họ đã góp phần không nhỏ làm cho thành phố trở nên sinh động hơn, giàu có hơn cả về kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng cuộc sống của người lao động nhập cư còn nhiều khó khăn, nhiều người chưa có cơ hội tham gia vào các hoạt động ở địa phương, và tiếng nói của họ có vẻ chưa được tính đến trong các quy hoạch phát triển của địa phương và thành phố. Lao động nhập cư là một phần của thành phố, vì vậy, quy hoạch thành phố cần tính đến nhu cầu đặc thù của họ để Hà Nội thực sự trở thành thành phố đáng sống cho tất cả mọi người.

Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Thing Playgrounds:
Bảo vệ quyền được chơi của trẻ em

Quyền được chơi, quyền được tiếp cận, hòa nhập nếu chỉ được xem xét trên phương diện lý thuyết thì sẽ rất khó hình dung, bởi việc thực hiện quyền ấy cần có một không gian vật lý để nó được hiện hữu. Theo đuổi sứ mệnh bảo vệ quyền được chơi của trẻ em thông qua việc phối hợp với những tổ chức, cá nhân, chuyên gia để cải tạo các không gian công cộng là cách mà Thing Playgrounds đã và đang thực hiện từ nhiều năm nay.

Bất cứ nơi nào trẻ em xuất hiện cũng tạo sinh khí cho nơi đó. Trong 8 năm qua, đã có hơn 200 không gian công cộng lớn nhỏ được Thing Playgrounds tổ chức thực hiện. Gần đây nhất là dự án Cải tạo bờ vở sông Hồng - phường Chương Dương được thực hiện với sự phối hợp của một số tổ chức khác nhằm biến “bãi rác” thành một không gian xanh đa chức năng cho cộng đồng. Dự án thành công nhờ có sự góp sức đắc lực của các tổ chức, cá nhân, tất cả cùng dọn rác, kiến tạo nên vườn sinh thái, cùng cuốc đất trồng cây...

Quận Hoàn Kiếm có mật độ dân cư đông, không gian công cộng là điều xa xỉ, nhưng ở  phường Phúc Tân thì khác. Phúc Tân từng là nơi được coi là “bờ rìa” thành phố, nơi rác xây dựng, rác sinh hoạt đổ về. Những lao động nhập cư sống ở đây cũng ít được quan tâm. Một trong những vấn đề mà Thing Playgrounds luôn muốn nhấn mạnh và chia sẻ kinh nghiệm với các nhóm tình nguyện khi thực hiện những dự án công cộng là luôn phải coi trọng tiếng nói cộng đồng. Người dân hiểu rõ không gian sống ở nơi họ đã trải nghiệm nhiều năm. Tìm mọi cách để cộng đồng tham gia và có ý kiến nhiều hơn, đó chính là phương pháp tốt nhất để chúng ta có thể cải tạo không gian sống của chính họ.

Thành phố đáng sống là khi con người hòa hợp với con người và con người hòa hợp với thiên nhiên, để từ đó có phương pháp tiếp cận rồi thực hiện các dự án nhỏ mà mỗi người trong cộng đồng đều có thể đóng góp bằng cách nào đấy. Khi mọi người cảm thấy mình làm chủ không gian ấy thì sẽ muốn hy sinh vì nó, muốn bảo vệ nó. Lúc đó thì dự án mới thực sự đạt được sự bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay kiến tạo thành phố đáng sống: Tạo cơ hội để người dân cùng thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.