(HNM) -
Theo tổng hợp của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, xâm nhập mặn và hạn hán kéo dài tại 21 tỉnh, thành phố (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Tây Ninh) đã gây thiệt hại lớn về sản xuất, đời sống nhân dân. Tổng thiệt hại ước tính bằng tiền gần 9.000 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nông, lâm, diêm nghiệp là 437.718ha; thiệt hại về thủy sản là 5.137ha diện tích nuôi cá ao hồ và các thủy hải sản khác... Chưa kể, hơn 78.000ha diện tích vùng dân cư thiếu nước và bị nhiễm mặn, khiến 450 nghìn hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt.
Thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng tại các huyện phía tây tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Mai Khuê |
Trước tình hình đó, Chính phủ đã trích ngân sách hỗ trợ 9 tỉnh bị xâm nhập mặn hai đợt hơn 167 tỷ đồng; hỗ trợ các tỉnh bị hạn hán hơn 354 tỷ đồng và 600 tấn gạo. Các địa phương trên cả nước cũng đã trích ngân sách, vận động, quyên góp ủng hộ 21 tỉnh, thành phố số tiền hơn 211 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng hỗ trợ trên 36 tỷ đồng cùng nhiều vật dụng thiết yếu giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt.
9 cơ quan gồm: Ủy ban Trung ương MTTQ, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Phòng Thương mại và Công nghiệp, Hội Nghề cá đã thống nhất ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, hạn hán, thủy sản chết hàng loạt. Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, 9 cơ quan đã thống nhất vận động đoàn viên, hội viên trong tổ chức mình ủng hộ 1 ngày lương và vận động nhân dân trong và ngoài nước cùng tham gia ủng hộ. Theo đó, sẽ hỗ trợ trực tiếp 450 nghìn hộ dân (10%) có đủ phương tiện chứa nước sinh hoạt và triển khai thí điểm lọc nước lợ sang nước ngọt. Trước tình hình sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung làm cho 12.500 tàu các loại chưa thể ra khơi, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ về gạo, tiền, vốn vay. Trong thời gian tới cần tiếp tục có sự hỗ trợ để hơn 6.000 hộ ngư dân có điều kiện để chăm lo sức khỏe bằng việc hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội và giúp con em họ không bỏ học bằng việc mua sách vở, dụng cụ học tập.
Để những khoản hỗ trợ đến được tận tay người cần, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, MTTQ sẽ giám sát từ việc hỗ trợ khẩn cấp của Nhà nước đối với người dân bị ảnh hưởng do thủy hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đến các hoạt động hỗ trợ bằng tiền đối với hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ gạo đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng; hỗ trợ bằng tiền đối với tàu không hoạt động; hỗ trợ vay vốn đối với doanh nghiệp, cơ sở làm dịch vụ hậu cần bị ảnh hưởng... Việc giám sát được tiến hành từ cơ sở, khu dân cư để bảo đảm sự hỗ trợ của Nhà nước kịp thời, đúng đối tượng, hạn chế sai phạm, thất thoát.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, bà con các vùng bị thiên tai, biến đổi khí hậu đã và đang khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị hỗ trợ thêm cho bà con thiết bị liên lạc phục vụ cho những chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ. Ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, về lâu dài, cần tính đến việc quy hoạch vùng sản xuất, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững.
Chương trình phối hợp hành động hướng tới mục tiêu: Vận động hỗ trợ nước ngọt sinh hoạt cho khoảng 45.000 (10%) hộ gia đình khó khăn nhất ảnh hưởng do xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; mua thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 6.000 (10%) hộ gia đình khó khăn nhất bị ảnh hưởng do thủy, hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung chưa có thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ bằng tiền, hiện vật cho khoảng 10% gia đình khó khăn nhất có con đang học phổ thông trong nước. Việc hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình khó khăn có người dễ bị tổn thương (trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ đơn thân...). Thời gian tổ chức vận động quyên góp kết thúc trước ngày 30-6; thời gian hỗ trợ thực hiện cùng với việc vận động quyên góp và kết thúc trước ngày 31-7-2016. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.