(HNM) - Những ngày này, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đang chung tay chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, đã thành thông lệ, cứ dịp Tết đến, Xuân về, thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới các đối tượng chính sách, người nghèo để mọi người, mọi nhà đều được đón Tết đầm ấm, an vui.
Bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết
- Xin đồng chí cho biết, trong những năm gần đây, thành phố Hà Nội dành sự quan tâm, chăm lo cho các đối tượng chính sách như thế nào dịp Tết đến, Xuân về?
- Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có gần 800.000 người hưởng chính sách ưu đãi người có công (bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước). Phát huy truyền thống tốt đẹp, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn nỗ lực, đồng lòng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách; đồng thời, quan tâm, chăm lo toàn diện cho người có công và thân nhân. Càng gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, sự quan tâm đó càng thể hiện rõ nét bằng những việc làm thiết thực.
Cùng với đó, hơn 192.000 trường hợp thuộc diện hưởng chính sách bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các trường hợp khác đã nhận được sự quan tâm về nhiều mặt cùng những phần quà Tết ý nghĩa. Ngoài ra, 100% người hưởng chế độ lương hưu, trợ cấp hằng tháng được nhận liền hai tháng lương trước Tết, giúp các gia đình cân đối chi tiêu, phấn khởi đón Tết.
- Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đối tượng chính sách được hưởng những chế độ gì, thưa đồng chí?
- Với tinh thần không để người dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau, vượt lên những khó khăn của dịch Covid-19, năm nay, thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, chăm lo đến nhiều mặt cuộc sống của người dân. Ngoài phần quà của Chủ tịch nước, từ tháng 12-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch tặng quà cho gần 847.000 đối tượng chính sách trên địa bàn nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đối tượng được tặng quà là người có công, gia đình thuộc diện hộ nghèo, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội,…
Theo đó, từ cuối tháng 12-2020 đến nay, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã trực tiếp đi thăm hỏi, tặng quà nhiều đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đơn vị sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của thương binh, bệnh binh, người khuyết tật; cá nhân và gia đình người có công tiêu biểu ở các địa phương. Các phần quà Tết đã được trao đến từng cá nhân, gia đình người thụ hưởng.
Đặc biệt, thành phố còn hỗ trợ, bổ sung tiền ăn trong những ngày Tết cho các trường hợp đang được chữa trị, nuôi dưỡng tập trung tại các đơn vị thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Bệnh viện 09 thuộc Sở Y tế Hà Nội với mức 100.000 đồng/người/ngày. Các đối tượng được tặng quà và mức quà dịp Tết cơ bản giữ nguyên như năm 2020.
Trong dịp này, 100% quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố cũng dành kinh phí và huy động xã hội hóa để thăm hỏi, tặng quà người có công; trợ cấp khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, phong trào chăm lo Tết cho đối tượng chính sách được triển khai sôi nổi, rộng khắp, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Điển hình là phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố phát động, mang đến hàng vạn suất quà Tết dành tặng người nghèo. Các chương trình khác như: “Tết sum vầy” cho người lao động; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng được triển khai từ thành phố đến cơ sở…
Số người được tặng quà Tết đạt 148,1% kế hoạch
- Việc chi trả các chế độ, chính sách, trao tặng những phần quà Tết kịp thời, đến đúng người, đúng đối tượng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vậy, các cơ quan liên quan đã triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
- Những phần quà Tết thể hiện tấm lòng tri ân đối với người có công, sự động viên, chia sẻ đối với người có hoàn cảnh khó khăn từ các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội. Vì thế, nhiệm vụ này luôn được các cơ quan liên quan triển khai nghiêm túc, khẩn trương. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã hướng dẫn 30 quận, huyện, thị xã phổ biến, tuyên truyền chính sách tặng quà của Chủ tịch nước và thành phố tới đông đảo nhân dân. Danh sách đối tượng được tặng quà và mức quà của từng nhóm đối tượng được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn.
Các đơn vị, địa phương tổ chức thăm hỏi, trao tặng quà Tết trong không khí trang trọng, đầm ấm, thực hiện nghiêm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Đến thời điểm này, toàn thành phố đã trao tặng kịp thời gần 1,26 triệu suất quà đến các đối tượng chính sách, với kinh phí gần 550 tỷ đồng (nguồn vận động xã hội hóa là hơn 95,6 tỷ đồng), đạt 148,1% so với kế hoạch.
Đối với các trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng, công tác chi trả hai tháng tiền lương của kỳ lương tháng 1 và 2-2021 diễn ra nghiêm túc, bảo đảm an toàn, đúng đối tượng thụ hưởng.
- Ngoài những trường hợp sống ngoài cộng đồng, thành phố đang nuôi dưỡng tập trung hàng nghìn đối tượng tại các đơn vị thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Với trách nhiệm quản lý, đồng chí có thể cho biết rõ hơn, các đơn vị này tổ chức đón Tết cổ truyền cho các thành viên dưới mái nhà chung như thế nào?
- Hiện tại, các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đang nuôi dưỡng thường xuyên hơn 2.700 trường hợp là người già cô đơn, người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng ngoài cộng đồng. Các cơ sở cai nghiện ma túy đang quản lý, điều trị cho hàng nghìn học viên. Đặc biệt, Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 (phường Biên Giang, quận Hà Đông); Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) đang chăm sóc, phụng dưỡng một số trường hợp là thương binh, bệnh binh nặng, mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ, con liệt sĩ…
Để các đối tượng đón Tết trong không khí ấm áp, tình thân, những ngày giáp Tết, các đơn vị đều tổ chức gói bánh chưng, mua quà, sắm đồ dùng thiết yếu... Cùng với đó, các đơn vị tiến hành khám sức khỏe, kê đơn thuốc cho từng đối tượng và hướng dẫn họ chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân. Với những trường hợp sức khỏe yếu luôn có đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ ở bên cạnh chăm sóc. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các đơn vị bố trí lực lượng luân phiên trực 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Tết, có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh; đồng thời thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Tất cả các đơn vị đều bố trí khu vực riêng để theo dõi, cách ly những trường hợp mới tiếp nhận; trang bị đầy đủ đồ dùng, nhu yếu phẩm, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay để phòng, chống nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19. Hoạt động thăm hỏi, tặng quà, đón tiếp người đến thăm cũng được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh có dịch… Do đó, dù ở lại đón Tết cổ truyền dưới mái nhà chung hay về bên gia đình, tất cả các trường hợp đều được chăm sóc chu đáo, an toàn…
Việc các cơ quan chức năng và cộng đồng cùng chăm lo cho các đối tượng chính sách, nhất là vào dịp Tết cổ truyền là việc làm ý nghĩa, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc, nhân lên truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Điều này giúp mọi người dân cư trú trên địa bàn Hà Nội đều có cơ hội đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trong không khí ấm áp, tươi vui.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.