(HNM) - Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe của người tiêu dùng. Trước thực tế đó, trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã và đang có những hoạt động thiết thực, nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Thay đổi từ suy nghĩ đến hành động
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7-2011 đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Từ khi luật ra đời, nhận thức của người dân cũng như chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng hóa đã được thay đổi rõ rệt. Các kiến thức về cách lựa chọn nguyên liệu, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng… của người dân được nâng lên. Anh Nguyễn Huy Hoàng (phường Việt Hưng, quận Long Biên) cho biết: “Bây giờ, trước khi mua sản phẩm gì, tôi thường kiểm tra kỹ các thông tin về nhà sản xuất, tem nhãn, đặc biệt là hạn sử dụng để tránh mua phải sản phẩm chất lượng không bảo đảm, quá hạn sử dụng, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của gia đình”.
Không chỉ người tiêu dùng có sự chuyển biến trong suy nghĩ, hành động mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng chú trọng đến quyền lợi người tiêu dùng để bảo đảm uy tín và tính cạnh tranh trên thị trường. Tại Hội thảo “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới” diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, hiện người tiêu dùng luôn quan tâm đến việc đến đâu để mua thực phẩm an toàn. Do đó, việc hình thành hệ thống phân phối thực phẩm an toàn cũng chính là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, quản lý, các bộ, ngành.
Thời gian qua, hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm an toàn đã không ngừng được mở rộng, bảo đảm cung ứng hàng hóa với khoảng 1.000 siêu thị, 10.000 cửa hàng tiện lợi. Người dân cũng đã dễ dàng tiếp cận với hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Cùng với đó, hệ thống chợ truyền thống, cửa hàng bách hóa cũng đã có sự cải thiện rất ấn tượng.
Bà Lê Việt Nga cho biết thêm, chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm đã thu hút được nhiều địa phương, doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, tại nhiều địa phương, mô hình các chợ truyền thống được chuyển đổi, chợ an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, qua đó giúp giảm dần tỷ lệ ngộ độc thực phẩm…
Để giúp người tiêu dùng biết tự bảo vệ mình khi gặp phải những tình huống vi phạm về an toàn thực phẩm, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn cho rằng, người tiêu dùng nên lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín và giữ lại các liên lạc với đơn vị cung cấp để có thể có phản ánh khi cần thiết. Đặc biệt, người tiêu dùng phải quan tâm đến hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, thời gian sử dụng… của sản phẩm.
Nâng cao trách nhiệm và quyền lợi của người tiêu dùng
Mặc dù, ý thức của người dân và trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng hóa đã được nâng lên, nhưng thực tế cho thấy, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn chưa được bảo đảm, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn xảy ra, nhất là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các lĩnh vực vi phạm chủ yếu là an toàn thực phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng... Cùng với đó, bản thân người tiêu dùng còn e ngại, nể nang, ngại tiếp xúc, phản ánh khi phát hiện sai phạm.
Trước thực tế đó, thời gian qua, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng miễn phí 1800.6838 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã kết nối đến 35 tỉnh, thành phố. Riêng trong năm 2021, tổng đài này đã tiếp nhận hơn 13.000 cuộc gọi (tăng hơn 17% so với năm 2020). Cùng với đó, số lượng đơn, thư khiếu nại được giải quyết tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng là hơn 1.300 vụ việc (tăng 122% so với năm 2020).
“Việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là rất quan trọng. Do đó, sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã hướng dẫn người tiêu dùng ghi lại thông tin bằng chứng về sai phạm, đồng thời sẽ tiến hành các bước giải quyết sự việc. Người tiêu dùng ở địa phương nào thì chúng tôi chuyển đến cơ quan chức năng ở địa phương đó để xử lý. Nếu phản ánh về sản phẩm không bảo đảm an toàn, cơ quan chức năng sẽ chủ động liên hệ với doanh nghiệp rà soát lô hàng bị khiếu nại. Khi phát hiện sản phẩm không bảo đảm an toàn chất lượng sẽ buộc phải thu hồi, tiêu hủy. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiến hành giám sát, kiểm soát chặt việc thu hồi sản phẩm vi phạm”, ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Nếu gặp phải tình huống vi phạm an toàn, vệ sinh thực phẩm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê, việc người tiêu dùng cần liên hệ với các cơ quan chức năng tại địa phương, trong đó có cơ quan quản lý thị trường tại 63 tỉnh, thành phố. Hiện tại, các cơ quan quản lý thị trường của các địa phương đều có đường dây nóng và đều được công bố trên trang web của Tổng cục Quản lý thị trường. Cơ quan chức năng sẽ có văn bản trả lời ngay sau khi thẩm tra, xác minh xong thông tin mà người tiêu dùng phản ánh và cung cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.