(HNM) - Chất thải rắn sinh hoạt, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải chăn nuôi… chưa được thu gom, xử lý triệt để là nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm môi trường nông thôn. Giải quyết vấn đề này, cần sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp, ngành chức năng và sự chung tay của cả cộng đồng.
Vệ sinh môi trường là việc làm cần thiết trong xây dựng nông thôn mới. |
Ô nhiễm "bủa vây"
Xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai có 6/6 thôn là làng nghề truyền thống đã giúp hàng nghìn lao động trong, ngoài xã có việc làm và thu nhập ổn định. Tuy vậy, sự phát triển làng nghề lại gây ô nhiễm môi trường. Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Nguyễn Đức Tuế, với khoảng 200 hộ sản xuất cơ kim khí, mộc trong khu dân cư, hằng ngày, người dân xã Thanh Thùy phải chịu ô nhiễm bởi tiếng ồn, bụi, mùi sơn và nước thải từ quá trình mạ kim khí chưa qua xử lý xả ra môi trường... Theo kế hoạch, xã Thanh Thùy phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2017, tuy nhiên tiêu chí môi trường đến nay vẫn chưa đạt.
Ô nhiễm môi trường đang “bủa vây” khu vực nông thôn. Không chỉ ở làng nghề, sản xuất nông nghiệp cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, khu vực nông thôn nói chung, nhất là tại các làng nghề, việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải chưa được quan tâm đúng mức. Một số làng nghề có hàm lượng bụi, kim loại nặng vượt giới hạn cho phép.
Thực trạng trên cũng đang diễn ra tại nhiều vùng nông thôn trong cả nước. Mới đây, tại hội thảo “Giới thiệu mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới”, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, chỉ tính riêng chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng 31.000 tấn, chủ yếu ở hai khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, song tỷ lệ thu gom mới đạt khoảng 50%. Lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường khoảng 14.000 tấn/năm, nhưng việc thu gom xử lý chưa đáng kể; nước thải sinh hoạt xả ra môi trường khoảng 1.300 triệu mét khối/năm, hầu như chưa được thu gom, xử lý... Đó là chưa kể chất thải chăn nuôi khoảng 80 triệu tấn/năm, hình thức thu gom, xử lý chủ yếu là tự phát phục vụ trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Tại các làng nghề tuy chưa được thống kê đánh giá về số lượng, nhưng qua khảo sát cho thấy, chất thải ở khu vực này đa dạng và mức độ, nguy cơ ô nhiễm cao, khó thu gom, xử lý. Ngoài ra, gần đây đã phát sinh nguồn ô nhiễm môi trường mới trong nông thôn là tình trạng đốt rơm rạ gây khói, bụi…
Khơi dậy mô hình bảo vệ môi trường
Trước yêu cầu bức thiết về bảo vệ môi trường nông thôn, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo.
Tại Hà Nội, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030 và giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch triển khai Đề án nhằm sớm khắc phục những tồn tại kéo dài trong ô nhiễm môi trường làng nghề. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phát động chiến dịch cánh đồng không đốt rơm rạ và đề xuất thành phố các chính sách hỗ trợ theo lộ trình giai đoạn 2017-2020, tiến tới mục tiêu Hà Nội không còn khói rơm rạ vào năm 2020.
Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường cũng đã nhận được sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hội Nông dân các cấp đã phát động, xây dựng nhiều mô hình về bảo vệ môi trường hiệu quả như: Chi hội Nông dân đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng; điểm thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn; sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nông dân nói không với túi ni lông và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Triển khai phát động phong trào “sạch đồng ruộng”, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ của TP Hà Nội đã phối hợp đặt gần 2.400 thùng chứa rác, thu gom hơn 200 tấn rác thải. Sau một năm thực hiện, không chỉ riêng hội viên phụ nữ tham gia, mô hình đã huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân. Từ đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng, cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn cho xã hội.
Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã phát động phong trào xây dựng môi trường nông thôn "sáng - xanh - sạch - đẹp". Điển hình như các huyện Đan Phượng, Thanh Trì đã triển khai và đạt kết quả rõ nét trong trồng hoa, cây bóng mát trên các tuyến đường làng, cải tạo ao, hồ, thu gom rác thải...
Việc khơi dậy nhiều hình thức bảo vệ môi trường với kỳ vọng tạo bước chuyển trong nhận thức của toàn xã hội, từ đó góp phần quan trọng bảo vệ môi trường nông thôn, giúp các địa phương sớm thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.