(HNM) - Giữa những ngày tháng 5 lịch sử, 1.702 đại biểu là những người con ưu tú, tiêu biểu của 53 dân tộc thiểu số đã sum họp tại Thủ đô Hà Nội dự ngày hội lớn - Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam lần thứ nhất.
Mỗi người có suy nghĩ, hành động khác nhau nhưng điểm chung giữa họ là đã và đang đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu mạnh, tiến bộ. Trước thềm đại hội, PV Báo Hànộimới đã gặp gỡ với một số đại biểu tiêu biểu.
Sống tốt đời, đẹp đạo
Dù đã ở tuổi "cổ lai hy", nhưng những công việc mà Hòa thượng Tăng Nô đang làm khiến nhiều người phải kính nể. Hơn 30 năm trụ trì chùa Khleang có niên đại gần 500 năm, tọa lạc tại trung tâm TP Sóc Trăng, Hòa thượng Tăng Nô luôn thực hiện đúng tâm nguyện của người tu hành "sống tốt đời, đẹp đạo". Với sự chủ trì của Hòa thượng, chùa Khleang đã hiến trên 8.000m2 đất cho Nhà nước xây dựng Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ. Hiện trường có gần 150 tăng sinh của 5 tỉnh ĐBSCL theo học tiếng Pali từ lớp 6 đến lớp 12.
Đồng bào dân tộc Ba Na tại Bình Định tham gia quyên góp “Hũ gạo tiết kiệm” cho người nghèo. Ảnh: Phạm Biết |
Hòa thượng Tăng Nô còn hướng dẫn, vận động các chùa mở lớp dạy và học chữ Khmer, Pali, Vini và phổ cập tiểu học cho các vị sư và trẻ em trong dịp hè. Mỗi năm có trên 10.000 vị sư và học sinh dự học và cùng kết hợp với các ngành chức năng tổ chức thi tốt nghiệp Pali, Vini và bổ túc văn hóa sơ cấp. Có một việc làm khiến nhiều người cảm động, đó là nhà chùa đã tiếp nhận hàng trăm học sinh và giúp đỡ người già neo đơn không nơi nương tựa được ăn ở, học tập tại chùa. Với Hòa thượng, những việc ông đã làm chỉ là một phần nhỏ bé để cùng góp sức vì sự nghiệp phát triển các dân tộc Việt Nam.
Người con ưu tú của đại ngàn
Ở Tây Nguyên có một người được tôn vinh là cây đại thụ về văn hóa cồng chiêng của đại ngàn. Cả cuộc đời ông sống trọn nghĩa tình với những điệu Xoang cùng tiếng ngân vang của cồng chiêng Tây Nguyên, đó là Nghệ sỹ Nhân dân Y Brơm.
Y Brơm sinh ra tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, trong một gia đình dân tộc Ba Na. Lên bảy tuổi, Y Brơm đã tập đánh chiêng, đi vào con đường nghệ thuật. Sau giải phóng, về công tác ở quê hương, Y Brơm đã dành hết tình cảm, tâm huyết của mình cống hiến cho đồng bào Tây Nguyên yêu thương. Các tác phẩm "Múa trống Tây Nguyên", "Múa Khiêl", "Múa giã gạo đêm trăng" của ông đạt giải thưởng của Nhà nước. Ông là một trong 3 nghệ sĩ múa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đầu tiên ở Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, Y Brơm luôn hành động theo phương châm: khôi phục, bảo tồn và phát triển. Ông luôn cố gắng truyền dạy những gì mình thu lượm và chắt lọc được cho các thế hệ đi sau. Đã bước sang tuổi 71 nhưng Y Brơm rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Từ việc tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, đến việc tổ chức Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai đều có sự đóng góp không nhỏ của Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm.
Người giữ báu vật của bản làng
Ông Nguyễn Văn An (71 tuổi), Già làng của thôn Bèo, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đang làm một việc đầy ý nghĩa, gìn giữ những câu hát Sọong cô - dân ca của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Sau khi nghỉ hưu, ông đã sưu tầm, nghiên cứu những câu hát, truyền tình yêu Sọong cô đến nhiều người. CLB dân ca Sán Dìu do ông sáng lập, dù mới được hơn 1 năm đã thu hút được 16 thành viên.
Mỗi tháng, CLB dân ca Sán Dìu dành một ngày để ôn những câu hát cũ và học những câu hát mới. Hát Soọng cô chủ yếu là phần hát đối đáp giao duyên. Người đi hát phải thuộc sách hát. Họ dẫn câu hát trong sách ra để hát đố.
Khi thì đằm thắm, khi thì khoan, nhặt, Sọong cô đã trở thành một phần giá trị của con người. Tìm lại mạch nguồn và nối lại mạch nguồn ấy với đời sống đương đại, việc làm của ông An thật ý nghĩa.
Giữ nghề truyền thống
Nghề trồng và bốc thuốc nam có từ bao giờ, chị Triệu Thị Hòa, Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) không nhớ nổi. Chỉ biết rằng từ thuở nhỏ, chị theo gia đình lên rừng học cách phân biệt chính xác đâu là cây thuốc nam lẫn trong bạt ngàn cây cỏ của rừng xanh. Cứ như vậy, nghề thuốc nam ngấm vào chị từ khi nào không hay.
Chị Hòa cho biết, ban đầu, với kinh nghiệm ông cha truyền lại, chị cùng nhiều người dân vào rừng tìm các cây thuốc quý (tầm kha, rào kịa, ký ninh, găng bông, huyết đằng, xiền phiu, xinh pảu... ) rồi về chế biến thành các vị thuốc chữa được nhiều bệnh: thấp khớp, sốt rét, gan, thận...
Thấy được hiệu quả thiết thực của những vị thuốc, chị Hòa đã đề nghị UBND xã và ngành chức năng cho phép thành lập Hội Đông y. Gần 16 năm qua, chị Hòa và các thành viên Hội Đông y đã tích cực tuyên truyền cho các hộ trồng các loại cây thuốc nam trong vườn nhà. Ngoài những cây thuốc lấy được trong rừng, chị Hòa và nhân dân còn đầu tư thời gian, công sức và tiền của đi tìm những cây thuốc quý tận Tam Đảo hay Lào Cai về trồng. Đến nay, xã Ba Vì đã có hàng trăm hộ quy hoạch vườn để trồng cây thuốc với diện tích hàng nghìn mét vuông. Bản thân chị Hòa 24 năm làm nghề thuốc dân tộc Dao đã cứu giúp bao người. Tâm nguyện của chị là còn sức khỏe, còn tìm cách đưa nghề thuốc nam của dân tộc Dao phát triển, chăm lo sức khỏe cộng đồng và làm giàu cho gia đình, quê hương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.