(HNM) - Năm 2020, Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 1.512,3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tác động tiêu cực đến thu ngân sách nhà nước. Với tổng thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng năm 2020 đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019, có thể thấy, công tác thu ngân sách nhà nước đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
Trước tình hình đó, ngành Tài chính đã chủ động, tích cực triển khai các chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung thực hiện tốt chính sách thu; tiết kiệm các khoản chi… Các địa phương đều cố gắng thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết tâm hoàn thành dự toán được giao. Với thành phố Hà Nội, dù cũng đối mặt nhiều khó khăn, song thành phố không điều chỉnh bất kỳ chỉ tiêu nào và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao ở mức cao nhất. Đáng chú ý, Hà Nội đã thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thu ngân sách nhà nước, biến quyết tâm thành hiện thực.
Đến thời điểm này, chỉ còn hai tháng là kết thúc năm 2020. Thời gian không còn nhiều, do đó, để hóa giải những khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020, ngoài tinh thần quyết tâm cao nhất của các bộ, ngành, địa phương, cần có sự chung sức của người dân và doanh nghiệp.
Việc cần kíp hiện nay là ngành Tài chính tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thực hiện chính sách thu đã đề ra; tiến hành đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách (siết chặt quản lý thuế với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử - được đánh giá là còn “dư địa” để áp thuế), trốn thuế, đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác hiện đại hóa quản lý thuế, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hoàn thuế, miễn giảm thuế, không tính tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu.
Đối với các địa phương, cần tập trung huy động các nguồn thu từ thuế, phí; chú trọng nguồn thu từ đất, khai thác tài nguyên khoáng sản, thu từ xử phạt vi phạm hành chính; tăng cường công tác quản lý thu và thu hồi nợ đọng thuế; quản lý chặt chẽ việc bán đấu giá tài sản của Nhà nước. Thực hiện chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Rà soát, huy động nguồn vốn bổ sung cho đầu tư phát triển, bảo đảm thực hiện thu đúng, thu đủ theo kế hoạch đã đề ra. Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, để có doanh thu phát sinh, từ đó tăng thu thuế.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao trách nhiệm xã hội của mình, nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước. Với doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả, cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Với doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cần chủ động vượt khó, tìm kiếm thị trường, sắp xếp lại hoạt động để tăng doanh thu, lợi nhuận. Doanh nghiệp phát triển sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, người lao động mà còn là đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.
Thu ngân sách nhà nước có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động của nền kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh. Trong lúc khó khăn, hơn lúc nào hết, sự chung sức, đồng lòng của các cấp, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và người dân sẽ giúp nhiệm vụ thu ngân sách đạt kết quả cao nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.