(HNM) - Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hình thành và phát triển từ những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước với khoảng 50 nghìn người, có tỷ lệ trí thức cao. Bà con chủ yếu đến từ miền Bắc và sinh sống, làm ăn tập trung tại các thành phố lớn.
Theo ông Lê Thiết Hùng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, điểm mạnh của cộng đồng là đã sớm thành lập các tổ chức hội đoàn. Đây là nhân tố có tính chất quyết định, thúc đẩy sự phát triển và ổn định của cộng đồng và hướng về quê hương, đất nước.
Một khu bán hàng của người Việt Nam tại Ba Lan.
Hội người Việt Nam tại Ba Lan được thành lập tháng 3-1999. Đây là hội duy nhất có tư cách pháp nhân, đăng ký và hoạt động qua Tòa án Ba Lan nên vị thế của hội ở nước sở tại có sức lan tỏa rất lớn. Hơn 10 năm hoạt động, hội đã phát huy được vai trò nòng cốt trong cộng đồng, đảm đương được nhiệm vụ phối hợp và kết nối các hoạt động chung của bà con, nhất là trong công tác đối ngoại với các cơ quan, chính quyền nước sở tại, nâng cao được vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Một hoạt động rất có hiệu quả và thiết thực với cộng đồng, gây được uy tín và lòng tin lớn trong bà con là công tác an ninh. Vào những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, tình hình an ninh nội bộ trong cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan khá phức tạp, có lúc đã gây hoang mang lo lắng cho bà con. Trước tình hình đó, hội đã bàn và tiếp cận với lực lượng an ninh và cảnh sát Ba Lan. Từ các hoạt động giao lưu với lực lượng an ninh các quận, thắt chặt mối quan hệ, cộng đồng người Việt đã có được sự giúp đỡ của cảnh sát sở tại trong trấn áp tội phạm trong cộng đồng.
Ở Ba Lan, ngoài các tổ chức hội, còn xuất hiện các tổ chức được thành lập nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam, chúng luôn tuyên truyền, xuyên tạc nhiều thông tin sai lệch sự thật gây bất lợi cho tình đoàn kết trong cộng đồng. Bằng giáo dục tuyên truyền và nhất là qua các hoạt động giao lưu trò chuyện, hội đã giúp cho bà con, đặc biệt là các cháu thế hệ thứ hai hiểu đúng về quê hương, đất nước. Từ đó, bà con tẩy chay, cô lập các tổ chức phản động đó. Đến nay hoạt động của các tổ chức phản động này có chiều hướng co hẹp nhiều, chủ yếu chỉ còn hoạt động trên mạng.
Mặc dù cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan luôn được đánh giá là cộng đồng mạnh, ổn định, đoàn kết nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức lớn do tình hình mới với tính chất cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong kinh doanh, kinh tế thế giới biến động mạnh, lạm phát cao... Bởi vậy, để phát triển và hội nhập mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ cần sự nỗ lực của các thành viên trong hội mà cần có sự tham gia của cả cộng đồng với sự hỗ trợ giúp đỡ từ trong nước trên nhiều phương diện từ chính sách đến tài chính và ngoại giao.
Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan Lê Thiết Hùng bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm thiết thực và cụ thể hơn nữa của Nhà nước với hoạt động của các tổ chức xã hội của người Việt Nam ở nước ngoài trong đó có cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Cũng theo ông Lê Thiết Hùng, các cơ quan hữu quan trong nước nên tăng cường hợp tác trực tiếp hơn nữa với các cơ quan an ninh, Interpol, tư pháp của các nước sở tại để phối hợp xử lý nghiêm những trường hợp xâm phạm đến tính mạng, tài sản của bà con trong cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đối tượng phạm tội là người Việt Nam. Cần có biện pháp xét, cấp thị thực chặt chẽ hơn khi đưa người Việt Nam ra nước ngoài, tránh tình trạng đưa người Việt Nam ra nước ngoài ồ ạt, thiếu kiểm soát và thiếu cả trách nhiệm ở một số doanh nghiệp môi giới, gây khó khăn và phức tạp cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực.
Hiện nay, việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho con em thế hệ thứ hai và thứ ba ở nước ngoài nói chung, ở Ba Lan nói riêng đang gặp nhiều khó khăn về chương trình, nội dung và tài liệu giảng dạy, thậm chí cả cơ sở vật chất, trường lớp, trình độ chuyên môn của giáo viên. Do đó, mong muốn của bà con là được Nhà nước quan tâm, nghiên cứu để soạn thảo chương trình, tài liệu phù hợp. Vì, việc dạy tiếng Việt không đơn thuần là chỉ dạy cho thế hệ trẻ biết đọc, biết viết mà thông qua đó các cháu hiểu biết rộng hơn, sâu hơn về lịch sử, văn hóa, truyền thống và đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam, từ đó nuôi quyết tâm đem nguồn chất xám, tri thức và cả kinh tế về đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.