Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung sức trẻ vì Tổ quốc

Vũ Thủy| 25/04/2010 04:40

(HNM) - Trong hai ngày 26 và 27-4, tại Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội (ĐH) đại biểu Hội LHTN Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2010-2015) với chủ đề "Thanh niên Việt Nam xây hoài bão lớn, chung sức trẻ vì Tổ quốc giàu mạnh, văn minh". Nhân dịp này, PV Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Bí thư TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch UBTƯ Hội LHTN Việt Nam Phan Văn Mãi.

- Anh cho biết quy mô, ý nghĩa tổ chức kỳ ĐH VI Hội LHTN Việt Nam?

- Quy mô ĐH kỳ này có hai điểm nổi bật, đó là triệu tập 1.000 đại biểu thanh niên trong và ngoài nước, với ý nghĩa chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là ĐH đông nhất từ trước đến nay, đủ thành phần 54 dân tộc. Đại biểu có trình độ ĐH chiếm hơn 80%, trong đó đại biểu nữ chiếm tỷ lệ cao (gần 35%). Các hoạt động diễn ra trước, trong và sau ĐH cũng có nhiều điểm mới: Ngoài chương trình nghị sự chính thức hai ngày 26 và 27-4, còn có 3 hành trình lớn gắn với ĐH gồm: Hành trình "Thanh niên làm theo lời Bác - sống đẹp vì cộng đồng; "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương", thăm, tặng quà chiến sĩ vùng biển đảo và Hành trình "Nhân ái vì sức khỏe cộng đồng", khám bệnh, cấp thuốc miễn phí.

Tuổi trẻ Thủ đô ra quân làm đẹp môi trường xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Linh Tâm

- Nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHTN trong nhiệm kỳ 2010-2015?

- Mục tiêu chung của nhiệm kỳ là xây dựng Hội LHTN Việt Nam vững mạnh, là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên; phát triển mạnh mẽ các tổ chức thành viên tập thể của hội; đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tài năng và sức trẻ của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Hội cũng sẽ triển khai 3 cuộc vận động (CVĐ) lớn: "Thanh niên sống đẹp, sống có ích"; "Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường"; "Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng" và 2 chương trình "Khi Tổ quốc cần" ; "Xây dựng, phát triển tổ chức hội, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên". Đặc biệt, 3 CVĐ được tổ chức đồng bộ với mong muốn xây dựng mẫu hình thanh niên thời kỳ mới; phát huy được tính tình nguyện của thanh niên vì cộng đồng, giải quyết những vấn đề bức xúc, khẳng định vai trò xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế, xã hội.

- Mẫu hình thanh niên sống đẹp - sống có ích cụ thể như thế nào?

- Thanh niên sống đẹp, sống có ích là lĩnh vực xây dựng con người dựa trên kết quả tổng hợp. Trong khuôn khổ CVĐ, Hội xác định thanh niên sống đẹp là phải biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thanh niên không chỉ có trình độ học vấn mà còn có hiểu biết, quan tâm và hành động vì cộng đồng; học tập vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, tự khẳng định mình, lập thân, lập nghiệp, có ý thức chấp hành pháp luật, hành động theo pháp luật. Nói chung, mỗi thanh niên học tốt, không cam chịu đói nghèo, không vi phạm pháp luật, luôn hành động vì cộng đồng là sống đẹp. Đẹp không chỉ hình thức, mà còn đẹp trong cách ứng xử trong cộng đồng và được xã hội ghi nhận.

- Phương thức tập hợp thanh niên trong nhiệm kỳ này có gì mới, thưa anh?

- Nguyên tắc tập hợp của Hội trên cơ sở lợi ích, nhu cầu của thanh niên, không chỉ tập hợp theo "khung cứng" theo thôn, xã, phường, quận, huyện như cũ mà mở rộng tập hợp theo nhóm, sở thích, ngành nghề và lĩnh vực với chủ trương khơi dậy tinh thần yêu dân tộc của thanh niên trong và ngoài nước. Hiện nay ở cơ sở, các chi hội nghề nghiệp, sở thích cũng đã và đang triển khai mạnh như câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi, thanh niên khuyết tật, câu lạc bộ văn hóa trẻ, nhóm nghệ sĩ, MC, thanh niên học tập, công tác nước ngoài. Ở cấp tỉnh, TP và TƯ có Hội Doanh nhân trẻ, thầy thuốc trẻ, trí thức khoa học công nghệ trẻ. Nhiệm kỳ tới, Hội chủ trương sẽ thành lập thêm hội kế toán trẻ, kiến trúc sư trẻ, kỹ sư trẻ… Đối tượng của hội đa dạng nên hình thức tập hợp cũng phải đa dạng, đổi mới, phù hợp với tình hình hiện nay.

- Theo anh, hiện nay thanh niên cần gì ở tổ chức hội?

- Hiện nay, thanh niên cần môi trường để học tốt, có nghề nghiệp và phát triển nghề nghiệp. Thanh niên cần có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho họ học tập. Một nhu cầu nữa của thanh niên là được đóng góp, thể hiện và được xã hội thừa nhận. Thực tế chứng minh nhiều nhóm thanh niên bỏ thời gian, công sức, kinh phí để làm một việc nào đó xã hội đang cần bằng tình cảm, trách nhiệm với cộng đồng một cách tự nguyện. Mỗi năm có hàng triệu thanh niên tham gia phục vụ cho phát triển cộng đồng, an sinh xã hội ở các vùng nông thôn. Họ không đòi hỏi gì cho riêng mình, chỉ mong muốn Đảng, Nhà nước, tổ chức hội tin tưởng, giao nhiệm vụ để họ cống hiến.

- Anh có thể nói rõ hơn về những hoạt động gắn với Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội?

- Về công tác tổ chức, ĐH cũng có nhiều hoạt động gắn với sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cụ thể như "Hành trình thanh niên làm theo lời Bác, sống đẹp vì cộng đồng" hay triệu tập 1.000 đại biểu dự ĐH. Các sản phẩm hành trình, biểu trưng của ĐH đều gắn với sự kiện Thủ đô 1000 năm tuổi, qua đó giáo dục, nâng cao nhận thức của những người tham gia hành trình và nhân dân địa phương về Thủ đô nghìn năm Văn hiến và Anh hùng. Đặc biệt, tối 25-4, Thành đoàn Hà Nội đăng cai lễ đón đại biểu dự ĐH cũng sẽ giới thiệu các hoạt động chào mừng Đại lễ. Phần mở màn đêm nghệ thuật "Khát vọng tuổi trẻ" tối 26-4 là hoạt cảnh Chiếu dời đô của Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn, thể hiện đậm nét hơn về sự kiện Thủ đô 1000 năm tuổi.

Hiện nay, mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Dự thảo văn kiện trình ĐH và 8 diễn đàn diễn ra tại ĐH đã xong. Mong rằng, các đại biểu đóng góp trí tuệ để sau ĐH hoàn thành văn kiện, ra nghị quyết, xác định quyết tâm và nền tảng triển khai nhiệm vụ trong cả nhiệm kỳ.

- Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung sức trẻ vì Tổ quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.